Ý kiến này nhận được nhiều quan điểm trái chiều và đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Do đó, công trình thế kỷ gắn liền với chiều dài lịch sử, văn hóa của TP.HCM vẫn đang tồn tại và vẫn là phương thức vận chuyển hành khách khối lượng lớn từ Bắc vào Nam.
Ga đường sắt Sài Gòn nằm trong tổng thể tuyến đường sắt Bắc - Nam. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, tuyến hỏa xa này như là một nhân chứng lịch sử của TP.HCM suốt gần hai thế kỷ. Hiện nay, ga Sài Gòn vẫn là ga hành khách trọng điểm của ngành đường sắt, là đầu mối giao thông quan trọng khu vực TP.HCM, các tỉnh phía Nam và của toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Câu chuyện di dời hay để lại ga Sài Gòn trong nội thành vẫn đang là bài toán cần có lời giải bằng những nghiên cứu khoa học bài bản cùng những luận cứ thuyết phục trên nhiều phương diện. Đó là cần tính toán sự cần thiết thay đổi; vấn đề năng lực vận chuyển; vấn đề phù hợp với hiện trạng đô thị; vấn đề kinh phí thực hiện. Ngoài ra, vấn đề an ninh chính trị, quân sự và cả bảo tồn lịch sử, văn hóa cũng cần phải được tính đến.
Việc ngành đường sắt bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra phương án thích hợp là điều cần thiết. Việc giữ lại ga Sài Gòn, mở rộng và hiện đại hóa ga này với hàng loạt dịch vụ, phương thức kết nối đi kèm cũng chỉ là một phương án đơn vị tư vấn đề xuất. Trước mắt, xin chưa bàn đến việc này nên hay không nên, ủng hộ hay không ủng hộ mà nhấn mạnh ở góc độ cần thiết phải nghiên cứu.
Bởi nhìn lại quá trình phát triển trong hai thế kỷ qua, ga Sài Gòn cũng đã trải qua ba lần “sinh - tử” vì điều kiện lịch sử khi đất nước còn chiến tranh. Mỗi giai đoạn, ga Sài Gòn đều có vai trò và sứ mệnh lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, sau ngày đất nước thống nhất đến nay cũng gần 50 năm, so với đường bộ, đường hàng không thì ngành đường sắt đã cũ kỹ, lạc hậu và chậm thay đổi.
Nghiên cứu của Cục Đường sắt đặt hàng với đơn vị tư vấn cũng là một động thái để thay đổi diện mạo của ngành đường sắt, đồng thời cũng là bài toán giao thông sớm muộn gì cũng phải tính đến trong bối cảnh đô thị TP.HCM đòi hỏi phát triển rất mạnh mẽ.
Điều đáng nói là dự án của Cục Đường sắt sẽ là tiền đề để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch của ngành đường sắt tầm nhìn đến năm 2050. Điều này có nghĩa là bài toán quy hoạch không chỉ cho vài chục năm mà là cả hàng trăm năm. Vì vậy, để ga Sài Gòn lại hay dời về Bình Dương như đề xuất trước đây hoặc có thể tương lai còn có các phương án khác thì cũng đều cần phải tính toán kỹ để nó chính là công trình mang tầm vóc thời đại.