TAND quận 9 (TP.HCM) vừa tổ chức chuyên đề Kỹ năng định tội danh trong vụ án hình sự do ThS luật Nguyễn Xuân Tùng - Chánh án trình bày.
Thông qua thực tiễn tiến hành tố tụng, bước quan trọng nhất của quá trình định tội danh là việc kiểm tra sự phù hợp (giống nhau) giữa các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự với từng tình tiết trong hành vi nguy hiểm cho xã hội của người bị cáo buộc trong vụ án.
Có chứng cứ, nhận tội vẫn không xử được
Theo người trình bày, ở bước cuối này nếu các tình tiết của hành vi đã thực hiện hoàn toàn phù hợp với các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể thì phải kết luận hành vi đã thực hiện phạm tội đó chứ không phải phạm một tội khác.
Quá trình kiểm tra dựa vào các yếu tố của cấu thành tội phạm được tiến hành lần lượt từ mặt khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm. Khi tất cả đều trùng khớp, hoàn hảo thì mới có thể nói quá trình định tội danh đã thành công.
Khi xác định tội đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải có trình độ chuyên môn cao, đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng. Thực tiễn có những vụ án, tưởng chừng như chứng cứ đã vững vàng nhưng cuối cùng vẫn không thể buộc tôi.
Vụ trộm cắp tại siêu thị, camera quay lại hình ảnh rõ ràng, tìm được đến nhà người phạm tội, người này cũng nhận tội nhưng không thể khởi tố truy tố được vì gia đình này có hai anh em sinh đôi giống hệt nhau và cả hai người cùng nhận tội, thực tế chỉ có một người thực hiện hành vi trộm cắp...
Đại diện của TAND quận Bình Tân cũng nêu ra những tình huống phút 89 khiến cơ quan tố tụng ngỡ ngàng. Trong giờ nghị án, vô tình qua câu chuyện của người nhà bị cáo mới phát hiện ra bị cáo đã mượn nhân thân của người em trai (lý lịch sạch) để khai báo với các cơ quan tiến hành tố tụng, HĐXX sau đó phải trả hồ sơ xác định lại. Hoặc trường hợp, đến phiên tòa, HĐXX nhận thấy bị cáo có dấu hiệu không bình thường nên ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần và kết quả bị cáo có bệnh tâm thần không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự trong lúc thực hiện hành vi phạm tội.
Bỏ bùa có phạm tội giết người không?
Bộ luật Hình sự 1999 không có điều luật riêng quy định về phạm tội chưa đạt vô hiệu nhưng người trình bày cho biết có hai trường hợp phạm tội chưa đạt vô hiệu.
Một là chủ thể thực hiện hành vi nhằm gây thiệt hại cho khách thể nhưng thực tế không gây thiệt hại được vì không có đối tượng tác động. Ví dụ: mở trộm két sắt lấy tiền nhưng trong két sắt không có tiền hoặc đưa hối lộ cho người tưởng là có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế người đó không có chức vụ, quyền hạn.
Hai là người phạm tội sử dụng nhầm phương tiện mà người đó muốn, là trường hợp phương tiện mà người phạm tội muốn sử dụng có khả năng gây ra hậu quả của tội phạm nhưng phương tiện cụ thể mà người đó sử dụng lại không có khả năng đó. Như vì có thù oán, người phạm tội đã dùng thuốc ngủ liều cao để đầu độc cho nạn nhân chết nhưng nạn nhân không chết vì người phạm tội đã dùng phải thuốc ngủ giả. Ở đây cần phải phân biệt với trường hợp trong đó chủ thể đã dùng những phương tiện rõ ràng là không thể gây thiệt hại được. Ví dụ người vì lạc hậu, mê tín đã bỏ bùa để giết người khác, thì rõ ràng trường hợp này không phải là trường hợp phạm tội giết người.
Những vụ án có đồng phạm, nguyên tắc là phải định tội theo hành vi của người thực hành. Tuy nhiên những đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành. Bộ luật Hình sự đến nay vẫn chưa định nghĩa như thế nào là hành vi “thái quá”, như thế nào là hành vi “vượt quá”. Nhưng thực tiễn có thể hiểu hành vi “thái quá”, “vượt quá” của đồng phạm là: Hành vi vượt ra ngoài ý định chung ban đầu của những người đồng phạm khác và những người này không có ý định thực hiện hành vi “thái quá”, “vượt quá” của người thực hành.
Hành vi “thái quá”, “vượt quá” có thể cấu thành tội khác hoặc cấu thành tình tiết tăng nặng định khung. Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi “thái quá”, “vượt quá” của người đồng phạm thực hành khác.
A và B bàn bạc và thống nhất sẽ vào trộm tài sản. Trong khi A đứng gác, B bí mật vào nhà và trong lúc đang lấy tài sản, B đã bị phát hiện bắt giữ. B đã đánh người này bị thương để tẩu thoát. Việc làm này của B hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch của A và B . Hành vi “vượt quá” gây thương tích của B có thể cấu thành tội độc lập cố ý gây thương tích ( Điều 104 BLHS), hoặc cướp tài sản (Điều 133 BLHS), hoặc cấu thành tiết định khung tăng nặng của tội trộm cắp tài sản “hành hung tẩu thoát” điểm d khoản 2 Điều 138 BLHS năm 1999)…