Không ai ngờ Nguyễn Thị Oanh, VĐV điền kinh nhỏ nhất và cũng là người duy nhất lập hat trick vàng, từng bị thầy đuổi về do thể hình thấp bé, nhẹ cân, không hợp với môn điền kinh lại là người dẫn đầu về cơ số HCV trong đội điền kinh.
Ngày thi đấu cuối, cô bé “ốc tiêu” bé nhất đội Nguyễn Thị Oanh đã thực hiện được điều không tưởng sau khi xuất thần đoạt cùng lúc 2 HCV, phá kỷ lục SEA Games các cự ly 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ.
Điều đặc biệt, hai cự ly khắc nghiệt diễn ra trong cùng một ngày. Trong khi ban huấn luyện e ngại Oanh không đủ sức đảm đương trọng trách “vàng” thì cô gái cân nặng chỉ 46 kg lại thực hiện điều không ai ngờ tới: Xô đổ kỷ lục nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ, đưa kỷ lục SEA Games 10’00”02 (kỷ lục cũ 10’00”58) lên một nấc thang mới. Trước đó một ngày, Oanh đã đoạt chức vô địch cự ly 1.500 m.
Để gắn bó với điền kinh, cô nàng “ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh sinh trưởng trong gia đình có đến tám anh chị em tại Lạng Giang (Bắc Giang) đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.
“Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh (giữa) chinh phục các nấc thang mới và hạnh phúc đến trào nước mắt khi cử quốc ca Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: NG.DUNG - M.QUANG
“Trong đội có tám VĐV theo tập nhưng các bạn đều đã bỏ nghề hết, chỉ còn lại mình em. Ban đầu bố là người không muốn em theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp nhưng được sự động viên của người thân, bố đã đồng ý. Em còn nhớ lời bố khuyên phải phấn đấu lên cao nhất. Hồi nhận tháng lương đầu, em vui lắm, mua ngay chỉ vàng về tặng mẹ. Chỉ vàng mà đến giờ mẹ Oanh vẫn còn giữ làm kỷ niệm.
Hồi mới vào đội tuyển năng khiếu điền kinh tỉnh Bắc Giang, Oanh bị các thầy loại do thể hình hạn chế, không đủ chiều cao. Sau này khi lên tuyển, “ốc tiêu” nỗ lực theo các bài tập phát triển thể hình nhưng cũng chỉ cao lên 1,60 m. Sau chiếc HCB đầu tiên tại SEA Games 2013, Oanh trượt mất kỳ đại hội 2015 do căn bệnh viêm cầu thận. Mãi đến bốn năm sau, “ốc tiêu” mới giành được 2 HCV và bây giờ là cú hat trick vàng khép lại SEA Games 30 thành công mỹ mãn.
Cùng góp vào thành công chung của điền kinh Việt Nam (VN) còn có các cuộc đăng quang của Nguyễn Thị Huyền nội dung 400 m vượt rào nữ, đương kim vô địch Asian Games và chiếc HCB của Quách Thị Lan.
Cùng cự ly này của nam, Đỗ Quốc Luật thành tích 9’04”50 (cao hơn thành tích cũ 9’08”07), đổi màu chiếc huy chương từ đồng thành vàng.
Vào tối muộn cùng ngày, bộ tứ tiếp sức nữ gồm Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Oanh dễ dàng đánh bại Thái Lan và Philippines, bảo vệ thành công chức vô địch 4 x 400 m nữ. Ở cự ly này dành cho nam, Trần Nhật Hoàng, Quách Công Lịch, Trần Đình Sơn và Lương Văn Thao xuất sắc vượt qua Thái Lan trong tích tắc đem về chiếc HCV thứ 16, giúp điền kinh VN lần thứ hai liên tiếp thống trị đấu trường SEA Games 30.
Môn đấu vật, các đô vật Hà Văn Hiếu (125 kg), Nguyễn Xuân Định (65 kg), Nguyễn Hữu Định (61 kg), Kiều Thị Ly (55 kg), Nguyễn Văn Công (72 kg), Cấn Tất Dự (70 kg) và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (962 kg) đoạt về 7 HCV, giúp môn đấu vật đoạt tổng cộng 12 chiếc HCV tại SEA Games 30.
Môn bơi đường dài vượt biển cự ly 10 km, kình ngư giàu thành tích Nguyễn Huy Hoàng dù về đích sau Trần Tấn Triệu nhưng cũng góp phần giúp VN có thêm 1 HCV, 1 HCB.
Môn kick-boxing, các VĐV VN tham dự bốn nội dung chung kết nhưng chỉ có mỗi tay đấm Nguyễn Xuân Phương chạm được tay vào chức vô địch.
Đoàn Việt Nam vượt mặt Thái Lan lên vị trí nhì toàn đoàn Với chiếc HCV cuối cùng đến từ đội tuyển U-22 môn bóng đá nam, đoàn thể thao VN đạt được 97 HCV, 85 HCB, 103 HCĐ, chính thức vượt qua đoàn Thái Lan (91 HCV, 101 HCB, 122 HCĐ) chiếm vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp SEA Games 30 sau chủ nhà Philippines (148 HCV, 116 HCB, 118 HCĐ). |