“Cách thi công truyền thống (đào mở) để sửa chữa hay thay thế các đường cống cấp, thoát nước sẽ mất nhiều thời gian, gây cản trở giao thông, thương mại, mất mỹ quan đô thị… thậm chí có thể gây ra những hố sụt và hư hại cho các công trình ngầm…” - trung tâm này phân tích.
Một số công trình ở TP.HCM đã thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm, hạn chế đào đường. Ảnh: TN
Địa điểm được chọn lựa thực hiện thử nghiệm Đề án “không đào mở” là tuyến cống thoát nước đường kính 1.500 mm tại ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh (quận 1) đang hư hỏng nặng. Theo đó, việc sửa chữa 100 m trên tuyến cống này sẽ được thực hiện bằng công nghệ “Lót theo lối cuốn xoáy” (SPR). Cụ thể, đơn vị thi công sẽ đưa rôbốt vào lót trong lòng cống một lớp nhựa đặc biệt có lõi thép tạo niềng. Nhờ vậy nó có thể sửa chữa cống có mọi hình dạng, tạo độ chịu lực cao và tăng tuổi thọ cho cống thêm 50 năm. Đây là công nghệ độc quyền của Công ty PMPS (Singapore) ở khu vực châu Á. Sở KH&CN TP đánh giá đây là công nghệ thích hợp để sửa chữa các đường cống có đường kính từ 1.200 mm trở lên ở TP.
Hiện TP có 165.000 m đường cống thoát nước có đường kính lớn hơn 1.200 mm, chiếm khoảng 15% tổng chiều dài các loại cống lớn. Loại cống này gồm đủ loại hình dạng, tròn, vòm, hộp và có tuổi đời từ 20 đến hơn 50 năm. Theo đánh giá bước đầu của Trung tâm Chống ngập TP, hệ thống cống vòm có tuổi đời trên 50 năm (được xây trước năm 1954) hầu như tập trung ở các quận trung tâm TP và đang hư hỏng khá nhiều.
TRUNG THANH