Thi công quốc lộ 19, nước bùn tràn vào nhà dân sau mưa

(PLO)- Sau 10 lần bị xử phạt, dự án nâng cấp quốc lộ 19 tiếp tục gây khổ cho dân hai bên đường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, hàng chục hộ dân dọc hai bên đường quốc lộ 19 (đoạn đang thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua huyện Đắk Đoa, Gia Lai) nhiều lần phải bì bõm, vật lộn ngăn nước chảy vào nhà. Sau những cơn mưa lớn, người dân đành bất lực nhìn tài sản bị nước nhấn chìm.

Hễ trời mưa, quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đắk Đoa, Gia Lai ngập trong nước. Ảnh: LK.

Hễ trời mưa, quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đắk Đoa, Gia Lai ngập trong nước. Ảnh: LK.

Dân thiệt hại nặng do bùn đất vào nhà

Theo một số người dân ở đây, việc thi công quốc lộ 19 chậm trễ, đường đào xong để đó là nguyên nhân chính khiến nước, đất đá cuốn vào nhà dân.

Cách đây không lâu, PLO cũng có loạt bài phản ánh dự án nâng cấp quốc lộ 19 làm khổ dân do mương nước quá cao, chắn trước nhà dân. Một số nơi, đất đá tràn vào cả nhà dân.

Ông Võ Bé (74 tuổi, thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đắk Đoa) cho biết: “Từ đầu mùa mưa đến nay đã xảy ra bốn đợt nước tràn vào nhà dân rồi. Hễ mưa xuống là bà con chuẩn bị bao cát, chắn cổng nhà lại như kiểu chạy lũ. Nhà hàng xóm thấp hơn nhà tôi, sợ bức tường rào đổ sang nhà hàng xóm nên tôi phải dùng dây cáp neo tường lại. Đợt mưa to mới đây, ngay trước nhà tôi có người đi xe máy ngã ra đường, có cháu bé bị nước cuốn, may là người dân cứu kịp”.

Người dân dùng bao cát, đắp kè chắn trước cổng nhà để ngăn nước. Ảnh: LK.

Người dân dùng bao cát, đắp kè chắn trước cổng nhà để ngăn nước. Ảnh: LK.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Chung (thôn Cầu Vàng) nói: “Tôi ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa có khi nào nước ồ ạt vào nhà như thế này. Đơn vị thi công đào đường xong, không dọn khiến mương nước nghẹt, hễ mưa xuống là nước tràn vào nhà dân. Tôi rào chắn cổng rồi mà nước vẫn vào. Để ngăn nước vào nhà, tôi lắp thêm cả máy bơm hút nước ra ngoài”.

Gần đây nhất, người dân dọc hai bên quốc lộ bị thiệt hại nặng nề sau trận mưa lớn ngày 15-9, nước trên quốc lộ tràn vào nhà dân. Chị Phạm Thị Kim Quyên (thôn Cây Điệp) cho biết, nước chảy mạnh quá không ngăn nổi, đất đá cuốn trôi cả vào nhà, khiến tủ lạnh, máy giặt hư hỏng hết. Từ khi thi công quốc lộ đến nay, rất nhiều gia đình mất ngủ vì mưa, ngập.

Theo thống kê của UBND xã K'Dang vào ngày 16-9, toàn xã có 38 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước và đất đá tràn thẳng vào nhà dân gây thiệt hại rất nhiều tủ lạnh, máy giặt, xe máy và nhiều đồ gia dụng của dân.

Ông Nguyễn Thành Chung, thôn Cầu Vàng, xã Kdang lắp bơm để hút nước.

Ông Nguyễn Thành Chung, thôn Cầu Vàng, xã Kdang lắp bơm để hút nước.

Trong đó, riêng hộ bà Lê Thị Mỹ (thôn Cây Điệp) bị thiệt hại 300 gốc cà phê, 20 gốc tiêu; hư hỏng máy giặt, máy lọc nước; trôi xe máy lead, gây mất giấy tờ, hỏng xe. Hộ Ngô Thị Nam bị đỗ 25 mét tường gạch, sập nhà kho, hỏng máy giặt, tủ lạnh và 3 chiếc xe máy.

Hộ ông Võ Tấn Tài (thôn 1, xã Tân Bình) cũng đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc bờ kè dài 25 mét của gia đình ông xây dựng bị cuốn trôi trong đợt mưa ngày 15-9.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 (hay còn gọi là dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên tuyến quốc lộ 19) dài 143 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, thi công từ cuối tháng 8-2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Trao đổi với PLO, ông Đan, Chủ tịch UBND xã K'Dang, cho biết xã đã nắm bắt tình hình mưa ảnh hưởng đến người dân dọc quốc lộ 19 qua địa bàn. Nguyên nhân xảy ra do mưa lớn, kết hợp với việc các đơn vị thi công quốc lộ 19 đào mương khiến đất, đá tràn vào nhà dân. Xã đã có báo cáo lên huyện để nắm tình hình.

Cục sẽ thu hồi giấy phép nếu mất an toàn?

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, cho biết tình trạng mưa ngập vào nhà dân hai bên quốc lộ 19 huyện đã nhận được phản ánh và kiểm tra tình hình thực tế. Qua đó, đã có báo cáo kiến nghị lên UBND tỉnh, Sở GTVT và Ban 2 (Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 19) để sớm giải quyết cho dân.

“Mong muốn của địa phương là làm sao đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 19, hạn chế tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Dũng nói.

Nhiều diện tích hoa màu, tài sản của dân bị thiệt hại. Ảnh: LK.

Nhiều diện tích hoa màu, tài sản của dân bị thiệt hại. Ảnh: LK.

Được biết, vấn đề thi công quốc lộ 19 gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến người dân dọc hai bên đường, UBND tỉnh Gia Lai đã lập đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế. Qua đó, tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ GTVT yêu cầu chỉ đạo Ban 2 khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thi công dự án.

Mới đây, ngày 15-9, Cục Quản lý đường bộ III phối hợp với Sở GTVT tỉnh Gia Lai cũng tiến hành kiểm tra hiện trường dự án thi công quốc lộ 19 và phát hiện nhiều tồn tại, bất cập.

Để tránh nước vào nhà, làm sập tường nên ông Võ Bé neo tường kiên cố.

Để tránh nước vào nhà, làm sập tường nên ông Võ Bé neo tường kiên cố.

Cụ thể, về mặt đường phát sinh nhiều vị trí hư hỏng ổ gà, bong tróc trên mặt đường nhưng không được vá sửa để đảm bảo giao thông; một số đoạn thi công mở rộng nền đường sang hai bên thiếu cọc tiêu dẫn hướng, dây phản quang, rào chắn, biển báo đặt không đúng nơi quy định và không có người hướng dẫn điều tiết giao thông, nguy cơ cao mất ATGT.

Ngoài ra, công tác thi công đào khuôn đường đã lâu nhưng không hoàn trả kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân hai bên đường.

Theo Cục Quản lý đường bộ III, mặc dù đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản và đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng Ban 2, cùng đơn vị thi công vẫn thực hiện không đạt, nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên tuyến.

Người dân hai bên quốc lộ 19 khổ sở vì mưa và đi lại bị ảnh hưởng.

Người dân hai bên quốc lộ 19 khổ sở vì mưa và đi lại bị ảnh hưởng.

Đồng thời, Cục Quản lý đường bộ III yêu cầu Ban 2 chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương thực hiện vá sửa ngay các vị trí mặt đường bị hư hỏng ổ gà; khẩn trương thi công hoàn trả kết cấu nền mặt đường. Gia cố, gia cường móng mố các cầu tạm để đảm bảo an toàn cầu trong mùa mưa lũ; vá sửa các vị trí sình lầy tại đường dẫn hai đầu cầu tạm. Yêu cầu bổ sung, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (cọc tiêu, dây phản quang, biển báo…) theo quy định, bố trí người trực gác, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí thi công.

Nhiều đoạn đường bị nước xoáy, thành bẫy nguy hiểm người đi đường.

Nhiều đoạn đường bị nước xoáy, thành bẫy nguy hiểm người đi đường.

Theo Cục Quản lý đường bộ III, Ban 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông mà nguyên nhân do việc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án.

“Trường hợp Ban 2 không quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công sửa chữa khắc phục các tồn tại, Cục sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm đối với Ban 2”, ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III nêu rõ trong văn bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm