TP.HCM đã tổ chức thí điểm phố bán hàng rong theo giờ tại hai địa điểm trên địa bàn quận 1 là vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng) từ năm 2017.
Đến nay, hoạt động này đã giải quyết được phần lớn nhu cầu thiết thực của các tiểu thương tại đây. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình này.
Không phải chạy đôn đáo buôn bán
Ghi nhận của PV sáng 17-3, các hộ dân buôn bán tại hai phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp đã đi vào trật tự, nề nếp. Đa phần khách mua tại hai tuyến phố chủ yếu là nhân viên của các công ty, tòa nhà tại khu vực này.
Chị Lê Thị Lệ Thương (bán ca sáng tại Công viên Bách Tùng Diệp) cho biết ở đây chia thành hai ca: Ca sáng từ 6 giờ đến 10 giờ, ca trưa từ 10 giờ đến 15 giờ.
Chị Thương cho biết thêm lúc trước chị bán ngoài đường nay đây mai đó, về sau chị được Nhà nước hỗ trợ một quầy bán ở phố hàng rong Công viên Bách Tùng Diệp theo giờ.
“Lúc đầu đông khách lắm, bây giờ tạm thời vắng vẻ vì dịch COVID-19. Đó cũng là tình trạng chung của các hộ kinh doanh trong thời điểm này” - chị Thương cho hay.
Đề cập đến thu nhập, chị Thương cho hay thu nhập của gia đình cũng ổn định, đặc biệt không còn cảnh cơ cực nay đây mai đó để buôn bán.
“Nhà nước đã tạo điều kiện rất tốt. Chúng tôi vừa không phải đóng thuế mà chỉ đóng tiền điện, nước. Đặc biệt, mô hình này đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường” - chị Thương chia sẻ.
Một tiểu thương bán ở phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm đánh giá: “Tôi thấy thí điểm phố bán hàng rong theo giờ là biện pháp cần thiết để ổn định trật tự lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, việc này cũng minh bạch trong quản lý đối với mọi hình thức kinh doanh trên đường phố”.
Mô hình phố bán hàng rong ở Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1, TP.HCM. Ảnh: THU TRINH
Cần quy hoạch bài bản để nhân rộng
Theo ý kiến các chuyên gia, nhân rộng mô hình phố hàng rong trên địa bàn TP là cần thiết để đảm bảo an sinh cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự lòng, lề đường. Tuy nhiên, để nhân rộng thì cần phải có quy hoạch bài bản.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết việc tổ chức phố hàng rong giúp người dân có nơi buôn bán ổn định, nhất là những hộ khó khăn. Tuy vậy, hai thí điểm phố hàng rong ở quận 1 chỉ giải quyết một phần chứ chưa được quy hoạch một cách bài bản.
Do đó, theo ông Sơn, khi quy hoạch phố hàng rong thì không chỉ là phố hàng rong mà phải kết hợp với công trình dịch vụ thương mại hai bên đường. Trong quy hoạch sẽ có sự phân cấp sử dụng lề đường hay không gian như thế nào để không có sự tranh chấp giữa chuyện lề đường và chuyện trong nhà.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đặt ba vấn đề: Bãi xe để khách gửi khi tham quan, mua bán? Về giao thông công cộng, những trạm dừng xe buýt đã có sự phối hợp chưa? Những tổ chức có tính chất chuyên biệt như những ngày lễ thì tổ chức như thế nào?
Mô hình phố hàng rong được thí điểm trên hai tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp nên được nhân rộng và rất cần thiết trên các tuyến đường trên địa bàn TP. Từ việc thí điểm, UBND phường sẽ dễ dàng quản lý được vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, nhu cầu của người dân là có thật, UBND phường cũng kiến nghị với quận bố trí khu mua bán phục vụ cho người dân nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên địa bàn phường, tình hình bán hàng rong ở Công viên Gia Định rất phức tạp vì nơi đây tập trung lượng lớn người vui chơi, tập luyện thể thao. Nếu áp dụng mô hình phố hàng rong tại công viên này thì tôi đề xuất theo phương án như sau: Chặn hai đầu tuyến đường Đặng Văn Sâm, hình thành phố đi bộ vào buổi tối như Bùi Viện, hoặc sử dụng hai tuyến đường song hành cặp theo tuyến đường Hoàng Minh Giám hình thành phố đi bộ, buôn bán hàng rong theo mô hình thí điểm trên. Ông NGÔ XUÂN BÌNH, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM |
Vẫn theo ông Sơn, TP nên tổ chức một, hai tuyến thật sự bài bản rồi mới nhân rộng. Xuất phát từ ý nghĩa ban đầu là giúp cho các hộ nghèo có chỗ buôn bán, tuy nhiên những vị trí đang triển khai nằm ở trung tâm nên cần có sự quản lý và đào tạo tốt (đối với người bán) để xứng tầm với khu trung tâm TP.
Mặt khác, ông Sơn cho rằng nếu tổ chức tốt, lợi nhuận sẽ khả quan. Ngoài ra, cần có thu nhập cho đơn vị quản lý để phố hàng rong có vệ sinh chung, đầu tư cảnh quan, ánh sáng.
Việc thu phí cần có sự tính toán, cần có kịch bản rõ ràng. Ví dụ, giai đoạn đầu Nhà nước hỗ trợ, khi người dân buôn bán ổn định và thu nhập tốt thì tiến hành thu phí. TP nên giao đơn vị quản lý có năng lực để đảm bảo làm tốt.
Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, nhận định bán hàng rong là đặc thù của TP.HCM, là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến đây.
“Việc thí điểm trên đã giải quyết bao gánh hàng rong đang làm mất trật tự, mỹ quan của TP. Tôi chứng kiến cảnh người dân bị lực lượng an ninh trật tự đuổi mà xót dạ. Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước phải tổ chức, quản lý, giúp người dân hoạt động tốt tại hai thí điểm trên” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đầu tiên TP nên tổ chức quy hoạch tại từng phường, từng quận có nhiều điểm bán hàng rong và không dừng lại ở quận 1.
Thí điểm hai khu phố hàng rong Ngày 28-8-2017, mô hình thí điểm hai khu phố hàng rong đầu tiên dành cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) bắt đầu hoạt động. Đây là hai tuyến phố nằm trong đề án “Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian” được quận 1 đề xuất với UBND TP.HCM. Theo đó, UBND quận 1 không thu phí đối với hộ dân được bố trí vào phố hàng rong buôn bán. Những người kinh doanh tại đây được lực lượng chức năng tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán… |