Thị trường địa ốc ảm đạm: Chuyên gia hiến kế tháo nguồn cung

(PLO)- TP.HCM hiện có khoảng hơn 60.000 căn nhà trong các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều giải pháp giúp phục hồi thị trường địa ốc đang gặp khó được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản 2022 với chủ đề “Nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức vào chiều 28-10.

Ngăn chặn đầu cơ

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhược điểm chính hiện nay là thị trường bất động sản (BĐS) là thiếu cung dự án trầm trọng mà Luật Đất đai sửa đổi phải tới cuối 2023 mới được thông qua.

Mặt khác, cũng phải tính tới tình huống Luật Đất đai được thông qua nhưng liệu có đủ khả năng làm cho thị trường này phát triển tích cực hay không. Mọi giải pháp hiện nay đặt ra chỉ mang tính trước mắt, ngắn hạn.

GS Võ cho biết ở nước ta chu kỳ sốt đất là có thật. Sau mỗi lần sốt đất giá được tăng cao và chưa bao giờ có hiện tượng vỡ “bong bóng” BĐS. Lần sốt đất tiếp theo sẽ làm giá tăng cao hơn và cùng lắm là thị trường đóng băng.

Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là nhóm những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong tìm mua nhà ở bằng đồng lương của mình.

Đã có những giải pháp, xử lý nặng đối với trường hợp kinh doanh không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, GS Võ cho rằng những giải pháp này chỉ là giải pháp trên phần ngọn của vấn đề. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tìm cách để loại bỏ tình trạng đầu cơ BĐS nhà ở để cầu nhà ở luôn là cầu thật.

“Giải pháp lâu dài cho Việt Nam phải loại bỏ được tình trạng đầu cơ BĐS và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Muốn vậy, cần nghiên cứu kỹ sắc thuế phù hợp, tìm giải pháp kiểm soát lượng vốn đầu tư vào BĐS so với đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Chuyển đổi số cũng là một giải pháp thực sự cần thiết để công khai, minh bạch nhằm thực hiện đúng và đủ sắc thuế BĐS” - GS đề xuất.

Các chuyên gia chỉ ra nhược điểm chính hiện nay là thị trường là thiếu cung dự án trầm trọng.

Các chuyên gia chỉ ra nhược điểm chính hiện nay là thị trường là thiếu cung dự án trầm trọng.

Giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho biết thị trường BĐS thiếu nguồn cung vì vướng mắc chính vẫn là thủ tục đầu tư, thủ tục pháp lý.

Hiệp hội đã đề nghị UBND TP chủ trì cuộc họp để thống nhất trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Đồng thời, HoREA kiến nghị TP tiếp tục chỉ đạo xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị vướng mắc của các doanh nghiệp phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn của từng dự án.

Hiện TP đã có hơn 5 văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị vướng mắc của các doanh nghiệp nhưng kết quả giải quyết vẫn còn chậm.

Theo ông Châu, đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết có khoảng hơn 60.000 căn nhà trong các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng.

Trong 9 tháng năm 2022, sở đã nỗ lực thực hiện cấp được 19.052 sổ hồng cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nỗ lực thực hiện cấp sổ hồng cho các trường hợp còn lại để người mua nhà yên tâm và được bảo vệ quyền lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm