Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27-12-2023.
Theo đó, Lễ công bố nhằm công bố công khai Quy hoạch của tỉnh đến các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp biết, triển khai thực hiện. Qua đó, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thống nhất chủ trương tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh theo đề nghị của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và vào cuối tháng 2-2024 UBND tỉnh sẽ có báo cáo, đăng ký thời gian cụ thể với Chính phủ.
Trong Quy hoạch toàn diện của Bình Thuận thì hệ thống đô thị đến năm 2030 có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là TP Phan Thiết, 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 11 đô thị loại V (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài và Phú Quý).
Trong đó định hướng phát triển TP Phan Thiết là đô thị loại II (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì nâng cấp thành đô thị loại I sớm hơn so với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tỉnh đã đề ra).
TP Phan Thiết phát triển trên cơ sở mở rộng không gian về phía Bắc trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và phía Tây trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, bao gồm hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết.
Phan Thiết là đô thị trung tâm của tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là đầu mối giao thông liên kết liên vùng huyện, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại, công nghiệp, khai thác và chế biến hải sản của tỉnh; trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế. Đây cũng là vùng đô thị động lực, trung tâm giao lưu, kết nối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên.
Thị xã La Gi: Là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II theo quy định hiện hành). Thị xã La Gi là đô thị động lực của tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng.
Nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (với diện tích khoảng 27.000 ha) khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn về cảng biển và dịch vụ cảng biển, năng lượng, điện khí LNG, công nghiệp chế biến, chế tạo… gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại.
Đối với Phương án phát triển các khu công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp đã thành lập; đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp, nhất là các dự án công nghệ cao, các dự án chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, thân thiện môi trường.
Trong đó sớm hình thành tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, cảng biển, kho cảng khí LNG tại khu vực Hàm Tân - La Gi gắn với bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ.
Đến năm 2030 đầu tư hoàn thành 10 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, diện tích được phân bổ theo chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia…
Thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và một số cơ sở đào tạo (Học viện, trường Đại học) có uy tín, thương hiệu về công nghệ ở trong và ngoài nước đầu tư hình thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Tổ hợp đô thị du lịch biển; khu vực huyện Hàm Thuận Nam và hình thành Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành…