Thiếu gia Nhật làm ‘cha đơn thân’ của 13 đứa bé

Ngày 20-2 vừa qua, tòa án chuyên trách về trẻ em tại Bangkok đã kết luận ông Mitsutoki Shigeta, 28 tuổi, người Nhật Bản, có đầy đủ quyền làm “cha đơn thân” đối với 13 đứa trẻ tại Thái Lan. Theo tờ The Guardian, những đứa trẻ này đều là con ruột của ông Shigeta nhưng được mang thai hộ bởi những phụ nữ tại Thái Lan.

Giành quyền làm “cha đơn thân”

Tòa án Thái Lan cho rằng người cha có một lý lịch tốt, chưa từng được ghi nhận có hành động gì gây hại đến tương lai của những đứa trẻ, do đó sẽ có thể đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc cho những người con của mình. Theo luật sư của ông Shigeta, phán quyết này của tòa án Thái Lan đồng nghĩa rằng giờ đây ông Shigeta đã có thể tiến hành các thủ tục pháp lý chuẩn bị đưa 13 người con về Nhật Bản nuôi dưỡng.

Trước đó hai tuần, ông Shigeta đã tham dự phiên tòa tại Bangkok thông qua một cuộc gọi video trực tuyến để bảo vệ quyền được làm cha của mình. Luật sư Kong Suriyamontol cho biết thân chủ của ông muốn có hơn 10 người con vì ông mong mỏi có được một đại gia đình có thể kế thừa gia sản của ông sau này, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết.

Tại tòa, các đại diện của Bộ An sinh và phát triển xã hội Thái Lan cho biết đã cho người đến thăm những nơi ông Shigeta dự kiến sẽ nuôi dưỡng những đứa trẻ. Cơ quan cũng rất hài lòng về những sắp đặt của ông Shigeta cho tương lai của các cháu bé. Tòa án tại Bangkok cũng cho biết ông Shigeta có đầy đủ năng lực tài chính để chăm sóc 13 người con và đã chuẩn bị sẵn một nơi cư trú an toàn cho các cháu bé ở Nhật Bản với đầy đủ bảo mẫu và nhân viên y tế. “Vì sự hạnh phúc và những cơ hội trong tương lai mà 13 cháu bé sẽ được đảm bảo chu toàn bởi người cha ruột, vốn không có tiền sử nào xấu, tòa án kết luận các cháu sẽ là con hợp pháp của nguyên đơn” - tờ The Guardian dẫn lại tuyên bố của tòa án tại Bangkok.

Ông Shigeta giờ đây đã được xem là “phụ huynh duy nhất” của 13 cháu bé này. Những người mẹ “mang thai hộ” của các cháu đã ký từ bỏ quyền của họ trước đó, tòa án tại Bangkok cho biết. Luật sư Kong Suriyamontol sắp tới sẽ liên hệ với bộ, ngành có liên quan để thảo luận những bước đi kế tiếp nhằm chuyển quyền nuôi dưỡng các cháu bé cho thân chủ của mình. Dẫu vậy, quá trình này có thể sẽ bị trì hoãn tùy vào mức độ “chuẩn bị” của các cháu do đa số chỉ mới tầm bốn tuổi.

Ông Kong Suriyamontol (giữa), luật sư người Thái của doanh nhân Mitsutoki Shigeta, trả lời báo chí vào ngày 20-2 sau  phiên tòa tại Bangkok. Ảnh: AP

Ông Mitsutoki Shigeta (góc trên bên phải) rất ít hiện diện trước báo giới. Thân phận của nhân vật này vẫn còn là bí ẩn, dù có nhiều đồn đoán ông là con trai của tỉ phú Nhật Bản Yasumitsu Shigeta. Ảnh: CHIANGRAI TIMES

Ảnh chụp ngày 12-8-2014, cảnh sát Thái Lan tổ chức buổi họp báo về các bé sơ sinh được “đẻ thuê” là con của ông Shigeta. Cuộc họp báo được tổ chức tại cơ quan chỉ huy của cảnh sát tỉnh Chonburi, Thái Lan. Ảnh: AP

Vụ bê bối “nhà máy sản xuất trẻ em”

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động xã hội phản đối mô hình mang thai hộ ở Thái Lan vẫn chỉ trích vụ việc “đã vượt xa khỏi khuôn khổ các khái niệm về mang thai hộ xuyên quốc gia”. Những người này cũng cho rằng chính phủ Thái Lan cần siết chặt hơn nữa các quy định về mang thai hộ tại nước này, theo The Guardian.

Vụ hàng loạt người con của ông Shigeta được sinh từ mang thai hộ đã gây chấn động tại Thái Lan và nhiều tổ chức quốc tế vào năm 2014. Khoảng chín cháu bé, trong đó có trẻ chỉ mới hai tuần tuổi và lớn nhất cũng chỉ mới hai tuổi, đã được phát hiện tập trung nuôi dưỡng ở một căn hộ xa xỉ tại thủ đô Bangkok. Các trẻ được những bảo mẫu chăm sóc suốt 24/24 giờ. Các cháu bé sau đó được chính phủ Thái Lan chịu trách nhiệm nuôi dưỡng. Không lâu sau, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện thêm bốn trẻ sơ sinh có cùng người cha với chín cháu trên cũng tại Thái Lan. Theo hãng tin AFP, ông Shigeta có thể là cha của tổng cộng đến 19 người con với 13 cháu được những người “mẹ thuê” ở Thái Lan hạ sinh và sáu cháu bé sống tại Campuchia và Nhật Bản. Cảnh sát Thái Lan cho biết ông Shigeta trả cho mỗi người mang thai tại Thái Lan khoản tiền dao động từ 9.300 đến 12.500 USD.

Vụ việc đã khiến dư luận Thái Lan thêm bức xúc về “ngành công nghiệp” mang thai hộ tại nước này vốn còn quản lý lỏng lẻo. Chỉ một năm sau đó, chính phủ Thái Lan đã nghiêm cấm mọi trường hợp người nước ngoài trả tiền cho phụ nữ Thái Lan mang thai hộ. Ông Sam Everingham, Giám đốc hãng tư vấn Gia đình nhờ mang thai hộ (GTS) của Úc, nhận định: “Việc trở thành cha của đến 13 cháu bé thông qua hình thức mang thai hộ đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kiểm soát mô hình này. Vụ việc là một trường hợp lạm dụng không thể chấp nhận được đối với nguồn mang thai hộ toàn cầu.

Thân phận bí ẩn

Điểm đặc biệt trong phán quyết ngày 20-2 của tòa án Bangkok lại chính là… tên tuổi của người cha. Theo tờ The Guardian, tuyên bố chính thức của tòa án Bangkok không công khai tên của người được kết luận sẽ trở thành “cha đơn thân” của 13 cháu bé mà chỉ gọi là nguyên đơn, thể theo yêu cầu giữ bí mật đời tư của ông. Cho đến nay, thân phận của nhân vật mang tên Mitsutoki Shigeta vẫn còn chưa rõ ràng đối với dư luận Thái Lan.

Có thông tin cho rằng ông là con trai của Yasumitsu Shigeta, một tỉ phú tự thân đã sáng lập hãng phân phối điện thoại di động Hikari Tsushin. Công ty này mỗi năm có doanh thu đến gần 3,1 triệu USD, hãng tin AP tiết lộ. Tuy nhiên, công ty này đã từ chối xác nhận mối quan hệ giữa hai người, tuyên bố đó là chuyện cá nhân, theo hãng tin AP. Trong khi đó, hồ sơ thuế cho thấy tỉ phú Shigeta có một con trai tên là Mitsutoki, công ty của ông cũng có một cổ đông cùng tên và ngày sinh là 9-2-1990, trùng với sinh nhật của Mitsutoki trên hộ chiếu vào Thái Lan.

Một phụ nữ mang thai hộ và sinh một bé trai cho Mitsutoki vào tháng 6-2013, sử dụng tên giả là “Wassana” khi trả lời với báo chí, cho biết: “Anh này cao ráo, tóc dài, ăn mặc giản dị với quần jean và áo sơ mi bỏ ngoài”. Khi gặp mặt, Mitsutoki cũng không cảm ơn cô vì đã mang thai hộ con anh ta. Thực tế hai người không hề nói chuyện. “Anh ta chẳng nói gì với tôi cả, chưa từng giới thiệu bản thân mà chỉ cười và gật đầu. Mọi việc đều có luật sư nói thay” - Wassana nhớ lại. Còn bà Mariam Kukunashvili, Giám đốc BV New Life, nơi đã giúp Mitsutoki thực hiện hai ca thuê người mang thai hộ, kể lại rằng “khách hàng” của bà từng chia sẻ “muốn mỗi năm có thêm 10-15 con và tiếp tục sản xuất trẻ con tới lúc qua đời”.

Thông báo của tòa án tại Bangkok cũng không làm sáng tỏ thêm gì nhiều về thân phận của ông Shigeta. Hãng tin AP cho biết sau khi vụ lùm xùm mang thai hộ của Shigeta tại Thái Lan trở nên nổi tiếng trên báo giới quốc tế, một nhóm các luật sư hàng đầu tại Nhật Bản đã gửi thư cảnh báo đến nhiều hãng truyền thông tại nước này yêu cầu không nêu tên Shigeta hay tên của những thành viên khác trong gia đình ông.

Thiếu gia người Nhật được cho là đã mua đất gần một công viên lớn ở Tokyo để xây nhà, hứa sẽ thuê người chăm sóc và nuôi dưỡng chu đáo các con. Anh cũng đã mở nhiều quỹ tín thác cho các con ở Singapore và đặt kế hoạch sẽ cho các con mình học tại trường quốc tế. Luật sư của ông bố người Nhật cho hay thân chủ sẽ tiến hành từng bước để đưa con về nước để tránh thay đổi đột ngột môi trường và gây sốc cho trẻ.

Truyền thông Thái Lan hồi năm 2014 cho biết ông Shigeta có đến 16 người con được sinh nhờ mang thai hộ tại Thái Lan. Tờ The Telegraph cho biết đã có ba cháu bé được ông đưa về Nhật Bản sinh sống. Phán quyết của tòa án chỉ đề cập đến 13 cháu bé tại Thái Lan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm