Thịt thực vật làm từ mít non, đậu nành... vào giỏ quà Tết

(PLO)- Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe nên các doanh nghiệp đã phát triển để tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm dinh dưỡng thực vật bởi có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là sau dịch COVID- 19, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản phẩm này ra thị trường đặc biệt trong dịp Tết này.

Đại diện Vinasoy cho biết, đón đầu xu hướng và tiềm năng tiêu dùng của lĩnh vực này, đơn vị đã mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm dinh dưỡng thực vật như như sữa chua uống, sữa hạt và các sản phẩm thịt thực vật. Đồng thời, đưa các sản phẩm dinh dưỡng thực vật Việt Nam vươn ra thế giới, tham gia nhiều hoạt động kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế.

“Dữ liệu từ Data Bridge Market Research dự báo thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm từ nay đến năm 2029. Tại Việt Nam khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Rakuten Insight cũng cho thấy có đến 86% người tiêu dùng từng chọn giải pháp dinh dưỡng từ thực vật.

Do đó, chúng tôi có đầy đủ tiềm lực và nền tảng sẵn sàng cho sự phát triển ở thị trường đầy tiềm năng này” - đại diện Vinasoy nói.

Thịt thực vật làm từ đậu nành.

Thịt thực vật làm từ đậu nành.

Tương tự, ông Đoàn Mạnh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Chay Bảo An cho biết, nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng đạm thực vật thay thế, Tết này công ty đưa ra sản phẩm thịt thực vật từ đậu nành, mít non như mít non tempura, mít non samosa...

Theo ông Cương, ý tưởng cho ra dòng sản phẩm này xuất phát từ những hoạt động giải cứu nông sản công ty tham gia thời gian qua. Chẳng hạn, nếu may mắn người nông dân có thể bán mít với giá vài chục ngàn/kg nhưng thị trường có biến động giá mít tại vườn có thể còn 1.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nông dân không thu hoạch vì giá nhân công cao hơn giá mít bán được.

Với việc đưa mít non vào chế biến thành thịt thực vật giúp người nông dân chủ động bắt tay với doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Song song đó, công ty cũng chủ động kế hoạch sản xuất nhờ ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào.

“Hơn nữa với việc chế biến sâu sẽ tăng giá trị nông sản không chỉ giúp chúng tôi cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa mà quan trọng hơn giúp công ty có cơ hội xuất khẩu trực tiếp thay vì chỉ bán qua nhà phân phối tại Mỹ, Nhật, Thái Lan...” - ông Cương nói.

Trong khi đó, chị Cao Thị Cẩm Nhung chủ cơ sở sản xuất nước sốt gia vị và thực phẩm Mai Dương (Hậu Giang) cho biết, ý tưởng nghiên cứu sản phẩm thịt từ thực vật hình thành từ trước dịch COVID-19, đến đầu năm 2022 cơ sở mới tung ra bảy sản phẩm thực vật làm từ mít thái như bánh phồng mít, muối hồng, snack mít tẩm phô mai, khô mít...Trong đó, sản phẩm chủ lực là pate mít, thác lát mít và snack mít doanh số khá tốt.

"Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt thực vật ngày càng nhiều nhất là dịp Tết này công ty mới đưa ra thị trường là mọc mít, mít muối chua. Hai sản phẩm này được đưa vào giỏ quà Tết và hiện nay cơ sở nhận đơn hàng rất nhiều" - chị Nhung chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm