Sáng 2-10, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Buổi tiếp xúc tập trung nhiều ý kiến về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Bá Trôi cho hay thời gian qua nhiều vụ án liên quan các ông Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, một số ngân hàng… được đưa ra xét xử công khai nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Cử tri Nguyễn Bá Trôi, quận Thanh Khê. Ảnh: TẤN VIỆT
“Một là PCTN của chúng ta chưa cương quyết đối với 63 tỉnh, thành và nhất là các bộ. Giờ mà thanh tra hết thì còn lòi ra nhiều cái nữa mà phải đáng kinh ngạc nữa”, cử tri Trôi nói.
Theo cử tri này, nhân dân kỳ vọng Quốc hội phải làm rõ việc đăng ký tài sản của cán bộ đương chức. Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban kiểm tra Trung ương tích cực thay đổi tổ chức, thay đổi phương pháp, thay đổi chính sách giám sát.
Cử tri Nguyễn Quang Nga thì đề nghị công khai kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cho nhân dân biết.
Theo ông Nga, Luật PCTN sửa đổi nếu đưa việc đánh thuế thu nhập bất minh vào thì không phù hợp vì vô hình trung sẽ hỗ trợ cho người tham nhũng. “Tài sản không xác định được nguồn gốc là phải thu hồi”, cử tri Nga nêu quan điểm.
Phản hồi ý kiến cử tri, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cho hay Đảng, Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh công cuộc PCTN. Không chỉ Quốc hội đang tiến hành sửa đổi luật PCTN, phía cơ quan Đảng cũng đã điều chỉnh rất nhiều và rất thuyết phục nên thời gian vừa qua công cuộc đấu tranh PCTN đã có những kết quả đáng kể.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
“Tham nhũng nó là một căn bệnh. Ở đâu có quyền lực là sẽ có tham nhũng thôi. Nhưng ở nước tiên tiến người ta có một đặc trưng hoàn toàn khác với các nước phương Đông của chúng ta là họ ít sử dụng tiền mặt nên phần nào hạn chế căn bệnh này”, ông Sơn nói.
Trả lời câu hỏi nguyên nhân từ đâu dẫn đến tham nhũng, ông Sơn cho hay nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chúng ta chưa dẹp bỏ được nền tảng sử dụng tiền mặt. Chúng ta chặn đầu này thì nó lại phình ra ở đầu kia.
“Cho nên trong luật PCTN yêu cầu là một khoản chi tiêu 20 triệu thì phải thanh toán qua ngân hàng, thế nhưng khi đưa ra lấy ý kiến thì bà con có vẻ cũng chưa bằng lòng lắm. Bởi vì ta vẫn quen cái văn hóa chi tiêu tiền mặt...
Tức là cái này phải nắn từng bước dần dần để trở thành tập quán. Khi đã trở thành tập quán rồi, làm nền tảng lâu dài thì trở thành văn hóa và lúc đó chúng ta mới đạt được trình độ như những nước phương Tây. Còn bây giờ chúng ta phải quyết liệt”, ông Sơn nói.