Sáng 8-10, tổ đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 9.
Bãi bỏ “hậu duệ” và nạn nâng đỡ người đẹp
Quan tâm đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Quang Nghĩa, cử tri phường Hiệp Phú, đặt câu hỏi hiện tham nhũng còn nhức nhối có nguyên nhân từ đâu.
Ông Nghĩa cho rằng muốn hạn chế được tham nhũng, cần phải củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên như lời Bác Hồ dặn.
“Muốn không còn tham nhũng thì trước hết phải bỏ nạn “hậu duệ”, tuy nhiên nếu “hậu duệ” mà có đức, có trình độ thì vẫn được đề bạt, tuyển dụng. Thứ hai là khi đề bạt, tuyển dụng phải có thi tuyển công khai, minh bạch rõ ràng, có giám sát, đánh giá. Thứ ba là bãi bỏ chế độ biên chế suốt đời, tất cả chức vụ hết nhiệm kỳ đều phải xem xét tái bổ nhiệm, tái sử dụng... Có như vậy thì những người có đức, có tài mới có đất dụng võ, cống hiến cho đất nước!” - ông Nghĩa bày tỏ.
Liên quan đến những trường hợp cán bộ dùng bằng giả, cử tri Vũ Xuân Hồng nói: “Cán bộ sử dụng bằng giả không ít. Càng có nhan sắc càng dễ thăng chức vì được cấp trên nâng đỡ. Đề nghị QH vào cuộc giám sát, cho kiểm tra, rà soát để loại trừ khỏi bộ máy những cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến”.
Cử tri quận 9 tại cuộc tiếp xúc với tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 8-10. Ảnh: TÁ LÂM
Đề nghị... phạt roi kẻ tham nhũng
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng muốn xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên thì phải quản lý được quyền lực, vì hiện nay quản lý quyền lực còn lỏng lẻo. “Đơn cử như Khu công nghệ cao quận 9 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, những cán bộ có chức quyền trong quá trình triển khai, đất nhà của dân không nằm trong quy hoạch mà vẫn giải tỏa” - ông Nghĩa nói và cho rằng chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì vụ việc mới được làm sáng tỏ. Từ đó cử tri Nghĩa đề nghị các đại biểu QH truyền đạt ý kiến của ông đến nghị trường để QH xem xét, ban hành đạo luật quản lý quyền lực. “Chứ nếu không thì tình hình tham nhũng không thể nào ngăn chặn nổi” - ông Nghĩa nói.
Liên quan đến tài sản tham nhũng, ông Nghĩa kiến nghị QH xem xét, nếu người thân của cán bộ mà đứng tên nhà cửa lớn thì phải yêu cầu giải trình nguồn gốc, nếu không giải trình được, có nghi vấn tài sản tham nhũng thì phải xử lý không loại trừ biện pháp tịch thu sung công quỹ.
Về hình phạt với người phạm tội tham nhũng, ông Nghĩa cho rằng như quy định hiện hành là còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Từ đó ông kiến nghị bỏ xử án treo và bổ sung hình phạt bằng roi đối với kẻ phạm tội tham nhũng. “Nếu chưa đáng bỏ tù thì phải phạt bằng roi trước mặt công chúng, trước công đường để kẻ tham nhũng thấy đau, xấu hổ, ô nhục… để không còn tham nhũng nữa” - ông Nghĩa nói.
Đại biểu QH không bỏ qua vai trò giám sát
Chia sẻ với cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ghi nhận ý kiến các cử tri và hứa sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Với ý kiến cử tri đề nghị QH xem xét tư cách một số đại biểu QH trong thời gian qua, ông Khuê cho biết tổ đại biểu ghi nhận và sẽ có báo cáo Ban công tác đại biểu.
Về vấn đề cử tri phản ánh việc đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm giám sát của mình, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng: Có thể việc giám sát chưa đi đến nơi đến chốn, chưa đi vào trọng tâm chứ từng đại biểu không bỏ qua vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, với phản ánh của cử tri đề nghị Thường trực HĐND quận nên có chương trình giám sát, rà soát vấn đề quy hoạch, việc giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại của cử tri đã được các cấp xem xét, giải quyết ra sao, trả lời tới đâu. Còn tổ đại biểu QH thông qua cơ quan MTTQ nghe báo cáo lại.
“Ông Tất Thành Cang vẫn là đại biểu của dân” Tại cuộc tiếp xúc ở quận 9, cử tri đặt vấn đề ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, phó bí thư thường trực nhưng vẫn còn là đại biểu HĐND TP.HCM. “Một người mất uy tín như vậy thì nên xử lý, không thể để tồn tại trong bộ máy chính quyền, mất niềm tin của người dân. Sau khi bị kỷ luật, ông Tất Thành Cang vẫn ngồi ghế đại biểu HĐND TP, vẫn làm lãnh đạo một cơ quan, họp hành, phát biểu ỳ xèo. Vì sao không cho ông ấy nghỉ mà vẫn để ngồi ghế đại biểu của dân? Làm như vậy là coi thường cử tri!” - cử tri Trương Thế Cần bức xúc. Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thông tin ông Cang bị kỷ luật nhưng vẫn còn là thành ủy viên và là đại biểu HĐND TP.HCM ứng cử ở đơn vị quận 10. Hiện ông Cang vẫn đang là đại biểu dân cử, đại diện cử tri TP (ở cấp độ HĐND TP.HCM). |