Hà Nội sẽ bầu 71/81 người vào Ban chấp hành Đảng bộ khoá mới
Chiều ngày 6-10, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13-10 tới.
Báo cáo tại đây, ông Phạm Thanh Học- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác nhân sự đại hộ, có 3 điểm mới. Trong đó công tác chuẩn bị hồ sơ, kê khai tài sản, thu nhập, con em học ở nước ngoài… để đảm bảo không đưa vào cấp ủy những cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ông Phạm Thanh Học, Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: TP
TP Hà Nội cũng thành lập các tổ công tác khảo sát nhân sự để giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp, qua đó phân loại đối tượng. Do vậy, từ 151 cán bộ dự nguồn ban Chấp hành Đảng bộ TP, qua rà soát còn 75 người và tiếp tục thực hiện quy trình để lựa chọn 34 người giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần đầu, 47 người giới thiệu tái cử...
Hà Nội cũng hoàn thiện hồ sơ, khảo sát và triển khai quy trình 5 bước, qua đó đã rà soát, đánh giá hiện trạng, làm rõ các vấn đề đảng viên quan tâm, kiên quyết không đưa vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn.
Tổng số nhân sự được giới thiệu ứng cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 81 người, bầu tại Đại hội là 71 người (số dư 14,08%). Nhân sự tái cử 47/81 người (58,02%); nhân sự lần đầu 34/81 người (41,08%); số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là 17 người.
Liên quan đến công tác nhân sự, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy khẳng định hiện 81 hồ sơ nhân sự trình Đại hội đều đảm bảo theo quy định. “Các hồ sơ này đều đã được các cơ quan chức năng của Trung ương thẩm định kỹ. Mỗi một hồ sơ đều có tới 11 mục” - ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: TP
Liên quan đến công tác của Đảng bộ Hà Nội khoá mới, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy cho biết dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội sẽ chọn 3 khâu đột phá gồm phát triển hạ tầng; xây dựng thể chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Đây đều là các nút thắt cho phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Nếu giải quyết được sẽ gỡ nút thắt này từ đó giải quyết được hàng loạt các công việc khác, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển” - ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, một điểm quan trọng nữa được dự thảo báo cáo chính trị đặt ra là Hà Nội sẽ không lấy chỉ số cạnh tranh với các tỉnh trong nước mà sẽ xác định cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ là thành phố cạnh tranh với khu vực, năm 2030 là thành phố cạnh tranh ở tầm vóc Châu Á và đến năm 2045 là thành phố cạnh tranh toàn cầu.
“Điều này đòi hỏi, Hà Nội phải nỗ lực lớn hơn. Đây cũng là nhiệm vụ được các cơ quan Trung ương đặt ra với Hà Nội khi TP báo cáo, xin ý kiến về xây dựng nội dung dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội” - ông Phong nói.
Thành uỷ Hà Nội tổ chức họp báo chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TP
Cụ thể,TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển nhanh và bền vững theo định hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 -13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nội toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
(PLO)- Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị liên quan của TP giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, không để phát sinh “điểm nóng”...