Họp báo: 'Nóng' 2 trường hợp Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Thế Anh

Chiều 21-5, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại cuộc họp báo, phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi liên quan đến việc Hội đồng Bầu cử quốc gia có nghị quyết rút tên hai ứng viên là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh khỏi danh sách.

“Các nghị quyết không nêu lý do cụ thể của hai việc rút tên này. Vừa qua có thông tin ông Nguyễn Thế Anh đã bị bắt vì liên quan đến một vụ án. Đề nghị chủ tọa cho biết lý do rút tên của hai người này”- phóng viên hỏi.

Trả lời, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay công tác nhân sự của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 luôn là nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm. 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: HOÀNG HẢI

“Điều đó là rất đúng vì mục tiêu của cuộc bầu cử là lựa chọn được những đại biểu ưu tú, xứng đáng để tham gia Quốc hội và HĐND các cấp…”- bà Thanh nói. 

Bà Thanh cũng khẳng định: “Chúng tôi đã thông tin rất kịp thời, chính xác và công khai những thời điểm mà Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp ban hành nghị quyết về hai trường hợp này”.

Theo bà Thanh, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật về việc cho rút tên đối với hai ứng viên này. 

“Thông qua việc cho rút tên hai ứng viên này cũng thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước…”- bà Thanh nói

Bà giải thích thêm: Ngay cả khi đã xác nhận tư cách ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhưng đến thời điểm có những vi phạm thì vẫn tiếp tục xem xét. Thậm chí, kể cả khi đã trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp mà xuất hiện những vi phạm, có tình huống pháp lý đặt ra thì Quốc hội, HĐND các cấp vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cuối cùng là bãi miễn đại biểu đó.

“Tôi muốn nêu như vậy để khẳng định công tác nhân sự không dừng ở giai đoạn nào mà làm cho đến khi các đại biểu thực sự được công nhận là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo quy định của pháp luật”- bà Thanh nói tiếp.

Cũng theo bà Thanh, trên cơ sở đơn xin rút của hai ứng viên và trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban bầu cử tỉnh Kiên Giang và Uỷ ban bầu cử TP Hà Nội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và có nghị quyết về việc cho rút tên với lý do sức khỏe và lý do cá nhân của hai ứng viên này.

Ngay sau đó, phóng viên báo Đầu tư cho rằng câu trả lời trên của bà Thanh không thoả mãn báo chí và cử tri. Theo phóng viên, sự lựa chọn mỗi ứng viên đều công phu, qua nhiều bước. Tuy nhiên, trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn đã có dư luận từ trước khi hiệp thương vẫn được đưa tên vào danh sách, sau đó lại rút ra. Trường hợp ông Nguyễn Thế Anh thì có thông tin ông này bị bắt. 

“Nếu chỉ nêu vì lý do cá nhân và vì lý do sức khoẻ, chúng tôi khó đồng tình…”- phóng viên nói.

Tiếp tục trả lời, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay đối với trường hợp ông Nguyễn Thế Anh, Hội đồng Bầu cử quốc gia cho rút tên từ ngày 5-5-2021. "Thời điểm đó chưa có một quyết định có tính chất pháp lý nào để Hội đồng Bầu cử quốc gia có căn cứ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thực hiện việc xoá tên ông Nguyễn Thế Anh ra khỏi danh sách chính thức”- bà Thanh khẳng định.

Bà Thanh cho rằng các quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa phải bảo đảm nguyên tắc, quy định của pháp luật, đồng thời phải bảo đảm quyền công dân.

“Còn liên quan đến công tác quản lý cán bộ, chúng tôi đã có ý kiến với Quốc hội về quản lý cán bộ”- bà Thanh nói.

“Còn với tư cách là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, chúng tôi dựa trên cơ sở nguyên tắc và quy định của luật. Thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Anh có đơn xin rút vì lý do sức khoẻ. Uỷ ban Bầu cử của Kiên Giang đề nghị và Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bàn và quyết định cho rút tên”- bà Thanh nói tiếp.

Liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn, bà Thanh dẫn quy định tại khoản 1, Điều 60 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HDNĐ quy định về việc xoá tên những người là ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp. 

Theo đó, người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội. 

“Tôi muốn đọc điều luật để các phóng viên biết cụ thể, nắm được nội dung quy định của pháp luật về vấn đề xoá tên”- bà Thanh nói tiếp.

Trưởng ban Công tác đại biểu khẳng định cả hai trường hợp trên, đến thời điểm Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét cho rút tên chưa thể khẳng định là có vi phạm pháp luật.

“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền về việc kết luận hai ứng viên này vi phạm pháp luật. Chúng tôi bảo đảm quyền của công dân nói chung, trong đó có quyền của các ứng cử viên nói riêng”- bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng lưu ý ông Nguyễn Quang Tuấn đang là đại biểu QH khoá XIV và đề nghị phóng viên nghiên cứu các quy định về quyền miễn trừ đối với đại biểu Quốc hội. 

Theo bà Thanh, nếu hai ứng viên này vi phạm pháp luật sẽ được thực hiện theo quy định của BLHS, BLTTHS, việc khẳng định có tội phải bằng quyết định của toà án.

“Đương nhiên, căn cứ các quy định của Đảng về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý, Hội động Bầu cử quốc gia đã có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét với góc độ cán bộ quản lý theo cấp có thẩm quyền. Chúng tôi không có ý né tránh mà rất trân trọng sự quan tâm, ý kiến mà phóng viên đã nêu ra”- bà Thanh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm