Tiếp nối dự án Cung thỉnh bức tượng nghệ thuật Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi TP giai đoạn 1, Ban Thường vụ Thành đoàn được Ban Thường vụ Thành ủy phân công trực tiếp phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư TP triển khai thực hiện công trình Nhà Thiếu nhi TP.
Công trình lấy ý tưởng thiết kế từ những hình khối mầm cây, cánh diều và tổ chim thể hiện nơi ươm mầm và chắp cánh ước mơ, tài năng cho thiếu nhi và cũng là tổ ấm, là nơi các em được nuôi dưỡng, dạy dỗ và phát triển bản thân.
Các đại biểu tại lễ khánh thành công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM.
Dự án Nhà Thiếu nhi TP giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 6-2015. Công trình gồm năm tầng (tầng trệt và bốn tầng lầu), đồng thời có một tầng hầm để xe và một tầng lửng kỹ thuật. Tổng diện tích sàn xây dựng là 11.655,42 m2. Tổng vốn đầu tư 197,8 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cho biết công trình Nhà Thiếu nhi TP là món quà, là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân dân TP tặng cho đội viên, thiếu niên nhi đồng.
Theo ông, Nhà Thiếu nhi TP được khánh thành hôm nay là một công trình kiến trúc hiện đại và đặc sắc, được lãnh đạo TP quan tâm. TP mong muốn qua công trình này các em đội viên, thiếu nhi có một địa điểm sinh hoạt hiện đại, đáp ứng đầy đủ và tốt nhất nhu cầu về học tập, vui chơi, rèn luyện kỹ năng của các em; trở thành một mái nhà, một địa chỉ thân thương của thiếu nhi TP.HCM.
“Để làm tốt điều đó, tôi đề nghị Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo BGĐ Nhà Thiếu nhi TP triển khai các chương trình bồi dưỡng năng khiếu đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, nhu cầu của thiếu nhi, phát huy tối đa công năng của nhà thiếu nhi, tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng, định hướng lối sống đẹp cho các em đội viên thiếu nhi…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang nhấn mạnh.
Một số hình ảnh về công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM:
Nhà Thiếu nhi TP.HCM nhìn từ trên cao.
Toàn bộ công trình Nhà Thiếu nhi sử dụng tông màu trắng, điểm thêm nhiều mảng xanh ở các vị trí khác nhau.
Nhà thiếu nhi nhìn từ góc đường Lê Quý Đôn - Tú Xương.
Công trình được thiết kế có cầu thang bộ hình xoắn ốc và hệ thống thang máy hiện đại.
Những bức tranh về sinh hoạt đoàn, đội được vẽ lên các bức tường ở khu vực cầu thang bộ.
Các tiết mục biểu diễn của Đội nghệ thuật Nhà Thiếu nhi TP.HCM.
Một lớp học võ ở nhà thiếu nhi.
Một lớp học tại phòng học năng khiếu.
Những nét uốn cong mềm mại của tòa nhà.
Khu vực cầu thang bộ bên hông nhà thiếu nhi.
Những bức tranh tuyên truyền được vẽ trên tường lối vào tầng hầm để xe.
Một góc nhà thiếu nhi nhìn từ nhà truyền thống.
Tầng thượng của công trình là một không gian rộng rãi với những bồn cây xanh cùng hệ thống mái che chạy bao quanh độc đáo.