Miễn trách nhiệm hình sự có đúng luật?

Trước đó, cơ quan điều tra cho rằng trong quá trình điều tra, Luật đã chủ động khắc phục hậu quả, khai rõ sự việc, góp phần hiệu quả vào việc điều tra vụ án nên miễn trách nhiệm hình sự cho Luật theo khoản 2 Điều 25 BLHS.

Khó kết tội cướp

Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM đã từng thông tin. Theo hồ sơ, tối 16-4-2008, Luật và bốn người bạn chở nhau trên hai xe máy đi tìm anh T. đánh trả thù. Tới trước nhà số 22/1 đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), nhóm của Luật dùng dao chém trúng vai anh T. Hai người quen của anh T. đến can cũng bị nhóm Luật chém làm một người bị thương ở tay.

Miễn trách nhiệm hình sự có đúng luật? ảnh 1

Chém người xong, nhóm của Luật mạnh ai nấy chạy nên Luật lấy chiếc xe máy của một nạn nhân bỏ lại hiện trường để tẩu thoát. Sáng hôm sau, Luật nhờ bạn đưa chiếc xe trên về nhà để nhờ mẹ mình mang trả cho gia đình nạn nhân.

Do vết thương của những người bị nhóm Luật chém đều dưới 11% và họ có đơn bãi nại nên cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Luật và đồng phạm về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận thấy hành vi lấy xe máy nạn nhân sau khi dùng vũ lực của Luật có dấu hiệu của tội cướp tài sản nên khởi tố Luật về tội này. Đồng tình, VKSND quận Gò Vấp cũng ra cáo trạng truy tố Luật.

Suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên sơ thẩm ngày 5-6 của TAND quận Gò Vấp, Luật không thừa nhận mình có ý định chiếm đoạt chiếc xe máy. Luật sư của Luật cũng chỉ ra rằng tất cả biên bản lời khai của những người liên quan trong hồ sơ đều thể hiện rõ rằng Luật chỉ dùng xe để tẩu thoát và đã trả lại cho gia đình chủ xe ngay hôm sau.

Theo luật, đối với tội cướp tài sản, người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt tài sản trước hoặc ngay khi thực hiện hành vi phạm tội. Vì thế, tòa đã phải trả hồ sơ lại cho VKS để điều tra bổ sung, làm rõ thêm ý thức của Luật khi lấy xe.

Có đúng luật?

Vấn đề cần đặt ra ở đây là việc cơ quan điều tra Công an quận Gò Vấp miễn trách nhiệm hình sự cho Luật như đã nói liệu đã chính xác, phù hợp?

Ở đây phải xác định rõ cơ quan tố tụng không chứng minh được ý thức chiếm đoạt chiếc xe của Luật (dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản) nên không thể kết tội cướp đối với Luật. nếu không kết tội được thì cơ quan tố tụng phải xác định bị án không phạm tội dù có thể phải đối mặt với việc xin lỗi, bồi thường oan. Việc miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này không khớp với quy định của luật.

Giảng viên Phan Anh Tuấn,Trưởng bộ môn Luật hình sự Đại học Luật TP.HCM:

Theo khoản 2 Điều 25 BLHS, để được miễn trách nhiệm hình sự, người phạm tội phải có đủ các điều kiện sau :

+ Trước khi tội phạm bị phát giác, người phạm tội đã tự thú;

+ Người phạm tội khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, phát hiện tội phạm;

+ Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Người phạm tội tự thú trước khi bị phát giác: Có nghĩa là trường hợp trước khi tội phạm mà người đó thực hiện bị phát giác (trước khi có quyết định khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can), người phạm tội đã ra trình diện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khai rõ về hành vi của mình và đồng phạm.

Người phạm tội khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm: Có nghĩa là người đó phải thành thật khai báo, cung cấp cho các cơ quan tố tụng những thông tin có liên quan đến tội phạm được thực hiện, hay hoạt động phạm tội của đồng bọn. Những thông tin này được coi là có lợi cho việc điều tra và phát hiện những đồng bọn còn đang lẩn trốn.

Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm: Có nghĩa là bằng những việc làm cụ thể xuất phát từ ý chí tự nguyện, người phạm tội đã cố gắng hạn chế đến mức tối thiểu các thiệt hại về vật chất, thể chất hoặc tinh thần do hành vi phạm tội gây ra. Kết quả là trên thực tế thiệt hại đã không xảy ra hoặc có xảy ra nhưng ở mức độ thấp, không đáng kể...

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm