Quy định mới cấm đảng viên vụ lợi cho người thân

Ngày 25-10, thay mặt Ban chấp hành Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 cùng tên, của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, ban hành 10 năm trước.

So sánh thì thấy Quy định 37 là một bước chuẩn hóa về mặt kỹ thuật ban hành văn bản của Đảng. Thay vì liệt kê, đánh số thì lần này các hành vi bị cấm được quy định thành điều. 19 nhóm hành vi bị cấm được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh thứ tự, chuyển thành 19 điều cấm.

Về nội dung, Quy định 37 kế thừa văn bản cũ, với Điều 1 quy định có tính chung nhất, bao quát, nguyên tắc nhất: Cấm đảng viên “nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Điểm mới duy nhất ở đây là thêm “quy chế” - tức phủ khắp tất cả loại văn bản của Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4.
Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Nhóm hành vi bị cấm

Từ Điều 1 quy định chung, các điều tiếp theo mô tả nhóm hành vi bị cấm cụ thể, trong đó bổ sung một số hành vi mới. Cụ thể:

Nhóm hành vi “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng” là hoàn toàn mới so với Quy định 47, được quy định thành một điều riêng, ở vị trí khá cao (Điều 3).

Các hành vi “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài” trái quy định được bổ sung vào nhóm hành vi thiếu trung thực với tổ chức, như kê khai tài sản không trung thực...

Đáng chú ý, nhóm hành vi vụ lợi cho gia đình, người thân được tách thành một điều riêng và mở rộng phạm vi điều chỉnh tới đối tượng hưởng lợi không chỉ ruột thịt của mình, mà cả bên vợ (chồng). Cụ thể, Điều 17 cấm đảng viên “Can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý”.

Chống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ

Những sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trên có tính chất cập nhật thực tiễn hành vi vi phạm, chẳng hạn như việc một số đảng viên, kể cả người được Đảng giới thiệu ứng cử vào Quốc hội nhưng lại âm thầm đăng ký quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, mua sắm tài sản ở nước ngoài.

Việc sửa đổi này còn có sự tương quan chặt chẽ với quan điểm của Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm gần đây, mà biểu hiện tập trung ở các nghị quyết Trung ương 4, bắt đầu từ khóa XI mà vừa rồi là Kết luận Trung ương 4 khóa XIII cũng như quá trình thi hành nghị quyết.

Theo đó, Quy định 37 phản ánh quyết tâm của Trung ương trong việc phòng chống các hành vi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được gói gọn trong hai từ “tiêu cực”. Đồng thời phản ánh mối lo ngại của Trung ương Đảng trước các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”, mà rõ nhất là các hành vi vụ lợi cho gia đình, người thân.

Với xu hướng tăng cường kỷ luật Đảng những năm gần đây, có thể thấy Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm sẽ được sử dụng nhiều hơn trên thực tế, để đối chiếu, xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm