Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Sáng 6-3, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với BĐKH. Ảnh: CHÂU ANH

Phát biểu khai mạc, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL đang đối mặt những thách thức lớn như: BĐKH, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.

Cạnh đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh COVID-19 và những sự kiện thời sự nóng bỏng thời gian gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thách thức lớn hơn chính là nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” và “thiếu tính liên kết vùng”.

“Liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Gợi ý một số vấn đề cần trao đổi tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng muốn nông nghiệp phát triển được phải có công nghiệp, dịch vụ. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thảo luận cần trả lời được các từ khóa “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược ở ĐBSCL là cái gì”. Cạnh đó, phải xác định được vấn đề quan trọng, đó là ĐBSCL cần gì về mặt thể chế? Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trao đổi thêm về vấn đề quy hoạch nguồn nguyên liệu, cơ sở hạ tầng, sản phẩm chủ lực...

Thủ tướng phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với BĐKH. Ảnh: CHÂU ANH

“Liên kết vùng không thể rời rạc, 13 địa phương vùng ĐBSCL không thể rời rạc được mà phải thành một thực thể, nhưng một thực thể ở đây không phải là kiểu liên kết rồi trông chờ, ỷ lại vào nhau. Phải vừa có tính liên kết chặt chẽ nhưng cũng phải có tính độc lập tương đối của nó để liên kết này phát triển nhưng tính độc lập phải thúc đẩy sự phát triển của liên kết. Hai cái này phải liên hệ với nhau, vừa có toàn diện nhưng phải vừa có đặc thù” - Thủ tướng lưu ý.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng sẽ chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ có bài phát biểu kết luận chỉ đạo quan trọng về phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với BĐKH.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm