Thông điệp từ vụ kiện đòi quyền được tiếp cận thông tin

Một công dân ở Khánh Hòa đã kiện UBND tỉnh này ra tòa vì bị từ chối cung cấp thông tin (về hồ sơ pháp lý dự án mà công dân này có đất bị thu hồi). Đây có lẽ là vụ kiện hành chính đầu tiên được người dân tiến hành để buộc cơ quan nhà nước đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của mình theo luật định.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền không chỉ được hiểu ở ý nghĩa hình thức là Nhà nước chịu sự ràng buộc bởi các đạo luật, mà còn đề cao sự tuân thủ pháp luật từ mọi chủ thể, nhằm mục đích bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Trong thời đại công nghệ thông tin, thông tin đóng vai trò quan trọng từ lĩnh vực đơn giản như giao tiếp xã hội cho đến những vấn đề mang tầm quốc gia. Việc công khai thông tin để mọi người tiếp cận được xem là một trong những thước đo nhằm đánh giá tiến trình dân chủ hóa của một quốc gia.

Hiểu một cách đơn giản, quyền tiếp cận thông tin là quyền con người được nắm bắt thông tin của Nhà nước thông qua các phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống, cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận. Quyền tiếp cận thông tin thể hiện mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Theo đó, công dân có quyền được yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin và Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần cung cấp thông tin để làm rõ việc thu hồi đất thực hiện dự án Sông Lô. Do bị từ chối, ông Bình buộc phải kiện hành chính yêu cầu tòa tuyên buộc UBND tỉnh phải cung cấp thông tin cho ông theo luật định Ảnh: TẤN LỘC

Cụ thể quyền hiến định này, Quốc hội đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tại Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin đã quy định về những thông tin công dân không được tiếp cận. Đó là thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quốc phòng, an ninh quốc gia...

Như vậy, theo nguyên tắc loại trừ, những thông tin không thuộc phạm vi Điều 6 thì công dân hoàn toàn có quyền tiếp cận. Thế nhưng, trong vụ việc của ông Nguyễn Văn Bình, UBND tỉnh Khánh Hòa từ chối cung cấp thông tin đã cho thấy khoảng cách khá lớn giữa quy định pháp luật với thực tiễn thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Bởi lẽ thông tin mà ông Bình yêu cầu cung cấp chỉ là những hồ sơ, những quyết định xung quanh một dự án mà ông là người bị ảnh hưởng.

Đây cũng không phải là dạng thông tin mật, những văn bản mật, mà chỉ là những văn bản thông tin, giấy tờ thông thường. Cho nên không có lý do gì để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp cho người dân. Đó là chưa kể việc người dân yêu cầu cung cấp thông tin liên quan một dự án nào đó vừa đảm bảo đúng Luật Tiếp cận thông tin và cũng thông qua đó người dân thực hiện quyền giám sát của mình.

Dưới góc độ pháp lý, đây có lẽ là vụ kiện đầu tiên của công dân khi bị cơ quan hành chính nhà nước từ chối cung cấp thông tin. Qua vụ kiện này cho thấy người dân đã ý thức rõ ràng về cơ chế thực thi cũng như bảo vệ quyền hiến định khi có sự xâm phạm từ phía các chủ thể khác.

Dẫu biết rằng “vô phúc đáo tụng đình” nhưng giải quyết tranh chấp hành chính thông qua cơ chế tài phán là cách làm văn minh và triệt để bởi những ưu thế của thủ tục tố tụng. Khởi kiện vụ án hành chính là việc công dân kích hoạt một quyền năng quan trọng nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của mình. Đây là cách xử sự cần được nhìn nhận tích cực trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đối với UBND tỉnh Khánh Hòa, việc từ chối cung cấp thông tin không thuộc phạm vi Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin là không phù hợp với quy định pháp luật. Cần lưu ý, ngay cả khi vịn vào lý do thông tin đó liên quan đến bí mật kinh doanh hay liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân thì đây cũng không phải là trường hợp có thể từ chối cung cấp thông tin. Vì tại Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin vẫn cho phép công dân tiếp cận có điều kiện đối với những thông tin này.

Ngoài ra, việc UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng thông tin được tạo ra trước ngày 1-7-2018 nên không cung cấp là không đúng quy định pháp luật. Bởi như đã phân tích, thông tin này không thuộc các trường hợp không được tiếp cận. Đây là một tiền lệ không tốt đối với Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho người dân.

Thực hiện quyền được biết và quyền giám sát

Việc từ chối cung cấp thông tin không chỉ ảnh hưởng đến quyền hiến định, mà còn tác động tiêu cực đến việc thực hiện quyền giám sát của công dân.

Logic thông thường cho phép ta kết luận rằng muốn giám sát hiệu quả thì phải có thông tin đầy đủ, chính xác. Thực tế, khi được yêu cầu cung cấp thông tin, các cơ quan nhà nước có thể phải vất vả trong việc kiểm tra, tìm kiếm, trích lục thông tin, tài liệu. Tuy nhiên, một khi đã là quyền của công dân thì các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện.

Đối với người dân, vụ kiện này cho thấy người dân đã ý thức hơn về quyền hiến định, luật định của mình. Đó là nếu Nhà nước không đáp ứng yêu cầu hợp pháp của mình thì kế tiếp người dân có thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết để buộc cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp cho mình những văn bản, giấy tờ cần thiết để thực hiện quyền được biết, quyền giám sát. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm