Thống nhất lực lượng bảo vệ an ninh trật tự vì lợi ích toàn dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Ngày 14-3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với gần 6.000 đại biểu tham gia, 60 bài tham luận, 11 ý kiến phát biểu.

Theo đề xuất của Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở gồm công an xã bán chuyên trách (đã hoàn thành nhiệm vụ theo Pháp lệnh công an xã, hiện vẫn tiếp tục được giữ lại để tham gia bảo vệ ANTT cơ sở); bảo vệ dân phố; dân phòng (đội trưởng và đội phó). Số lượng dự kiến hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 300.000 người.

Xây dựng luật không vì lợi ích riêng của bộ, ngành

Tại hội thảo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết. Theo ông, đây là lực lượng có lịch sử hình thành và hoạt động lâu dài, ngay từ khi thành lập nước, có nhiều đóng góp đối với đất nước.

Thực tiễn cho thấy khi lực lượng công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh công an xã thì lực lượng bán chuyên trách được hướng dẫn hoạt động ngày càng bài bản, tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lực lượng này đang được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật, việc thực hiện chế độ, chính sách còn hạn chế và thiếu thống nhất; nếu chậm luật hóa việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này sẽ ảnh hưởng tới ANTT.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: DT

Ông Hùng nhấn mạnh việc xây dựng luật này không vì lợi ích riêng của bộ, ngành mà vì lợi ích chung của đất nước và của toàn dân, bảo vệ lợi ích của chính các lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho hay lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong mô hình tự quản bảo vệ ANTT tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng có chức năng hỗ trợ công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ông Hưởng nhận định việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; khắc phục sự trùng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

Theo dự án luật, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được thành lập, tổ chức thành tổ bảo vệ ANTT ở thôn, làng, ấp bản; có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Số lượng cụ thể do chính quyền địa phương quyết định. Lực lượng này sẽ được hỗ trợ thường xuyên, hằng tháng được hưởng BHXH, bảo hiểm y tế theo quyết định của HĐND tỉnh. Khung mức hỗ trợ do Chính phủ quyết định…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: DT

Cánh tay nối dài đến tận cơ sở

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, cho rằng bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là chủ động giải quyết, xử lý những vấn đề xảy ra ngay từ lúc mới phát sinh, còn là mầm mống để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Để bảo vệ ANTT ở cơ sở, ngoài lực lượng công an chính quy làm nòng cốt, cần phải có sự tham gia rộng rãi của lực lượng toàn dân. Việc hình thành, phát triển lực lượng này ở cơ sở là tất yếu ở mọi giai đoạn.

Đồng tình, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, ghi nhận lực lượng công an chính quy về công tác ở xã đã đóng góp nhiều cho sự đổi thay ở xã, các đồng chí giỏi nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, lập biên bản vụ va chạm giao thông rất tốt...

Dù vậy, trong giải quyết các vụ việc ở cơ sở, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, việc nói tiếng đồng bào, nắm bắt mối quan hệ “dây mơ rễ má” từ các thôn, bản cũng như nắm bắt tình hình còn khó khăn, trong khi việc này ở lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở nhuần nhuyễn hơn.

Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở sẽ bao gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. (Ảnh minh họa)

Bà Hải khẳng định nếu ANTT không đảm bảo thì địa phương sẽ không làm được gì, bởi vậy đầu tư tốt nhất là đầu tư cho cấp cơ sở. Nữ bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ băn khoăn về chế độ, chính sách của lực lượng này và đề nghị cho địa phương quyền chủ động cân đối, bố trí thêm ngân sách cho lực lượng.

“Sự ra đời của luật này là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng, hiệu quả; hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế nhiều. Lực lượng này sẽ cùng với dân quân tự vệ gánh vác thêm các nhiệm vụ, bảo đảm ANTT cho bà con ở địa bàn...” - bà Hải phân tích.

Đáng chú ý, PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, cho biết khoảng 10 năm gần đây, khu vực nông thôn biến đổi rất mạnh mẽ. Trước đây là kinh tế nông nghiệp, hiện nay là kinh tế nông thôn, nhiều nơi không còn nông dân nữa, ở nông thôn có dịch vụ và công nghiệp nhỏ.

Quan hệ kinh tế ở nông thôn cũng có nhiều thay đổi mạnh mẽ, tính chất của người làm ruộng đã khác, nhiều người có ruộng đã không còn làm ruộng mà cho thuê, cho mượn. Chính vì vậy, các lực lượng tham gia dân phòng cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, đối tượng và phương thức bảo vệ ANTT ở nông thôn cũng thay đổi.

Ông cho rằng xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở cần quan tâm tích hợp các phong tục, tập quán vì đây là yếu tố hình thành, tồn tại hàng ngàn năm, càng tích hợp được thì pháp luật càng mềm mại, nhuần nhuyễn, trong đó điều chỉnh hành vi ở cơ sở càng cần thiết hơn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm