Thông tin mới nhất vụ 1 công ty xuất hóa đơn hơn 34.500 tỉ đồng

(PLO)-  Công ty này xuất hoá đơn cho giao dịch chứng khoán phái sinh phù hợp với các quy định về hóa đơn, chứng từ và Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-8, sau khi kiểm tra, xác minh việc Công ty TNHH Yến Sào Hubnest xuất 6 hóa đơn có doanh số trên 34.500 tỉ đồng, Cục Thuế TP.HCM thông báo kết quả cho biết công ty này xuất hoá đơn cho giao dịch chứng khoán phái sinh phù hợp với các quy định về hóa đơn, chứng từ và Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện hành.

Giao dịch hơn 339.000 lần

Cụ thể, Công ty TNHH Yến Sào Hubnest xuất 6 hóa đơn ghi chuyển nhượng 339.955 hợp đồng chứng khoán phái sinh từ tháng 10-2022 đến tháng 3-2023, theo hình thức không phải chịu thuế VAT. Tên người mua hàng thể hiện trên 6 hóa đơn ghi là “Khách hàng không lấy hóa đơn” và không ghi mã số thuế người mua.

Qua xác minh, Cục Thuế TP.HCM cho biết, thông tin, tài liệu do Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) cung cấp cho thấy, ngày 18-10-2022, Yến Sào Hubnest đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại HSC. Tài khoản này được đóng vào ngày 16-6-2023.

Với tài liệu do HSC cung cấp, Cục Thuế TP nhận thấy việc Yến Sào Hubnest lập 6 hóa đơn điện tử nêu trên là phù hợp với quy định (khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ).

Hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn, giao dịch mua, bán lên tới hàng trăm lần mỗi ngày dẫn tới doanh thu cao. Ảnh minh họa: Quang Huy
Hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn, giao dịch mua, bán lên tới hàng trăm lần mỗi ngày dẫn tới doanh thu cao. Ảnh minh họa: Quang Huy

Do đặc điểm của hoạt động mua, bán chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch chứng khoán là bên mua và bên bán không có thông tin với nhau, nên khi lập 6 hóa đơn điện tử này, Công ty TNHH Yến Sào Hubnest đã ghi trên hóa đơn là là “Khách hàng không lấy hóa đơn” và không ghi mã số thuế người mua.

Công ty đã lập và nộp tờ khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT) của kỳ tính thuế quý 1-2023, nên đã khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thuộc doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế VAT là phù hợp quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Từ ngày mở tài khoản đến ngày 31-3-2023, doanh nghiệp đã chuyển nhượng 339.955 hợp đồng chứng khoán phái sinh của các mã VN30F2210,VN30F2211, VN30F2212, VN30F2301, VN30F2302, VN30F2303, VN30F2304 với tổng trị giá bán gần 34.600 tỉ đồng; trong khi tổng trị giá mua tương ứng của 339.955 hợp đồng chứng khoán này cũng gần 34.600 tỉ đồng, chênh lệch giữa trị giá bán và trị giá mua trên 14,2 tỉ đồng.

Cơ quan thuế vẫn giám sát chặt

Mặc dù Yến Sào Hubnest không vi phạm trong vụ xuất 6 hóa đơn trên, nhưng do việc kê khai chuyển chứng khoán phái sinh có trị giá rất lớn, nên Cục Thuế TP.HCM đã yêu cầu Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đưa doanh nghiệp vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Cục thuế sẽ có văn bản chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chuyên môn trực thuộc rà soát và đưa vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với trường hợp người nộp thuế xuất hóa đơn điện tử có hình thức và giá trị lớn tương tự.

Cục Thuế TP.HCM sẽ giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với trường hợp xuất hóa đơn điện tử có hình thức và giá trị lớn tương tự. Ảnh: Quang Huy

Cục Thuế TP.HCM sẽ giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với trường hợp xuất hóa đơn điện tử có hình thức và giá trị lớn tương tự. Ảnh: Quang Huy

Từ thực tế vụ việc của Yến Sào Hubnest, dễ dàng nhận thấy đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh là thông qua sàn giao dịch chứng khoán, bên mua và bên bán không có thông tin với nhau, nên bên bán sẽ không có thông tin của bên mua chứng khoán khi lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua và hoạt động chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Cục Thuế TP HCM cũng đã báo cáo kết quả cho cơ quan cấp trên và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng: quy định khi chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán thì không phải lập hóa đơn điện tử; không kê khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán vào chỉ tiêu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế VAT. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi trong công tác quản lý của cơ quan thuế và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm