Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT và UBND các quận/huyện/thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Trong những hành vi đó có việc nói tục, chửi bậy.
Sở VH-TT&DL TP Hà Nội cũng cho hay Sở đang chủ trì xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội, cho biết bộ quy tắc ứng xử không phải văn bản quy phạm, nên nếu nói bắt buộc thực hiện thì không đúng. Tuy nhiên, các giai đoạn tiếp theo của đề án sẽ đưa ra những chế tài với các hành vi ứng xử không đúng quy tắc, chẳng hạn nói tục...
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia văn hóa, chuyên gia ngôn ngữ học.
Một người đàn ông cầm ghế nhựa đuổi theo đánh một khách hàng vì đi vào vỉa hè, vướng đồ của quán ông ấy bày ra và được người đi đường can ngăn. Ảnh:V.THỊNH
GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc:
Không đâu chửi tục nhiều như Hà Nội
Tôi đi khắp đất nước, hóa ra nơi ăn tục chửi bậy nhiều nhất là Hà Nội. Ở Hà Nội, ngồi tại một quán ăn, quán nước nghe nói tục, chửi bậy gây nên cảm giác khó chịu với những con người đứng đắn. Những người đứng đắn không thể tới môi trường đó được vì đó là môi trường vô văn hóa. Khi con người sống trong môi trường vô văn hóa sẽ cảm thấy không hạnh phúc. Nói tục, chửi bậy giống bệnh dịch, nó dễ lây cho người khác, thực tế đặt ra là phải xử lý, phải giải quyết, không thể kéo dài.
Con người thủ đô là thanh lịch, thủ đô phải là tấm gương cho cả nước chứ không thể ăn nói bậy bạ, đụng chạm nhau là cãi nhau, là đấm nhau. Nếu không giải quyết thì con người thủ đô, văn hóa thủ đô không còn là tấm gương, điểm sáng về văn hóa để cả nước nhìn vào. Tuy nhiên, bắt đầu xử lý bằng hình thức ra một bộ quy tắc, một quy định gì đó cấm nói tục, chửi bậy theo tôi chỉ giải quyết có tính chất nhất thời. Văn hóa nhân cách, văn hóa ứng xử không thể dùng các biện pháp cứng mà trước hết phải từ trong gia đình và nhà trường.
Nhà văn Đỗ Phấn:
Môi trường nào có ngôn ngữ đó
PGS-TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển Bách khoa thư:
Chính quyền đã bộc lộ thái độ cần thiết
Nói tục, chửi bậy bây giờ khá phổ biến, tràn lan. Nguyên nhân là người ta không tự ý thức đó là điều đáng hạn chế hoặc đáng lên án. Nếu cộng đồng không lên án mà hưởng ứng thì sẽ khiến nó lây lan, tự do phát triển.
Ví dụ một nhóm người trẻ ngồi với nhau trà dư tửu hậu, một người nói tục cả hội cùng cười, tự nhiên một người trong đó lên án chắc là bị loại khỏi cuộc chơi. Theo tôi, phải căn cứ vào thái độ của cộng đồng, dựa vào sức ép của cộng đồng tạo ra các chuẩn mực giá trị của nói năng, điều này ảnh hưởng đến các thành viên, coi đó là việc cần hướng tới. Hiện nay có người chỉ nói tục mới cảm thấy vui, cảm thấy trôi chảy, nếu họ không văng tục thì cảm thấy nhạt, giống món ăn không có gia vị. Có rất nhiều cách nói cho hay, không nhất thiết phải đệm từ tục.
Trong văn học xưa, ông cha ta vẫn dùng từ tục để hạ nhục, phê phán người khác như trong thơ Tố Hữu có câu “Mả bố nhà nó/ Nịnh Tây hết thời”, Tú Xương từng viết “Khốn nạn thân ông/ Đéo mẹ cha” nó. Nhiều khi đưa những từ tục thích hợp tạo nên hiệu ứng giao tiếp nhất định. Tuy nhiên, đó vẫn là hành vi phản chuẩn không nên tồn tại, không nên coi đó là chuyện bình thường.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Phải thay đổi từ giáo dục Nói về ứng xử của người sống ở Hà Nội thì bản thân tôi từng gặp nhiều cảnh éo le. Có lần tôi được ra Hà Nội diễn. Tôi đến chợ Ô Chợ Dừa, thấy cái gì mình cũng nhìn ngó vì lạ. Đang nhìn thì tôi thấy một cô bé tầm 16-17 tuổi rất xinh đứng ở cổng chợ. Tôi đi ngang và nghĩ trong bụng cô bé đẹp nên nhìn, bỗng cô bé đó quay ngoắt sang tôi nói luôn: “Nhìn cái đéo gì!”. Bao nhiêu vẻ đẹp về cô bé tan biến hết trong tôi và thay vào đó là sự hoảng sợ nên đi lẹ luôn. Hà Nội đẹp không chỉ vì cảnh mơ mộng mà đẹp từ sự bặt thiệp của người Hà Nội. Nhưng từ năm 1982 đến giờ, những trường hợp tương tự tôi kể xảy ra rất nhiều trong đời sống Hà Nội. Hà Nội giờ khác xưa nhiều, khác nhiều nhất trong đó là sự bạo dạn hơn, bỗ bã quá mức hơn của người sống ở vùng đất đó. Ở Hà Nội giờ có hai lối văn hóa ứng xử rõ rệt: Một là những người luôn sẵn sàng trực chiến đánh nhau, chửi nhau. Hai là những người Hà Nội cũ với lối sống xởi lởi, nhiệt tình tiếp đón và chuẩn mực. Và nhóm người thứ hai luôn sống văn hóa và luôn tâm niệm chả dây vào nhóm người thứ nhất làm gì! Cần nhìn thấy rằng văn hóa ứng xử ngày càng đi xuống của người sống ở Hà Nội bây giờ xuất phát từ giáo dục trong gia đình và xã hội. Muốn thay đổi thì phải thay đổi từ gốc như giáo dục xã hội phải có tôn ti trật tự và điều này phải từ lãnh đạo cao nhất đến người cao nhất trong nhà làm gương; đồng tiền không phải là chuyện để dạy con cái, đồng tiền không hình thành nên cốt cách văn hóa của con người mà đồng tiền chỉ hỗ trợ no ấm mà thôi… Nếu cứ dạy con trẻ theo kiểu làm giàu thì mãi mãi có thể giàu xổi về kinh tế nhưng văn hóa, văn hóa ứng xử sẽ ngày càng thấp đi. Kiểu giáo dục này sẽ vô hình kéo nền tảng văn hóa dân tộc đi xuống, mà văn hóa đi xuống thì dân tộc suy vong. Quỳnh Trang ghi Tôi phải bịt tai con tôi khi ai đó văng bậy Cứ thử ra một quán nước ở Hà Nội ngồi, rất dễ nghe thấy những từ tục. Từ người trẻ cho đến người già, người ta đều nói một thứ ngôn ngữ rất khó chấp nhận. Mà ở trong nhà cũng đâu thoát, có lần tôi nghe con tôi nói một từ tục, tôi hỏi cháu học đâu ra câu đó, cháu bảo nghe trên tivi. Theo tôi, việc Hà Nội có động thái đó rất đáng mừng nhưng chắc chắn vẫn chỉ như cấm thuốc lá ở nơi công cộng, thậm chí còn khó hơn. Điếu thuốc trên tay người hút còn dễ nhận thấy, bắt quả tang, còn lời nói tục đầu lưỡi gió thoảng thì ai có thể điều chỉnh được.Thôi thì cứ hê lên để mỗi người lớn dần dà tự ý thức làm gương cho lớp sau vậy. Chị NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Ba Đình, Hà Nội) |