Chiều 15-6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhiều ý kiến chất vấn Phó Thủ tướng về việc bổ nhiệm cán bộ, các dự án đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí.
Sẽ xử lý nghiêm những ai sai phạm trong bổ nhiệm
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: Trước đây nếu nói doanh nghiệp nhà nước và các dự án kinh tế từ nguồn đầu tư công là nắm đấm thép thì nay sự đắp chiếu của các dự án này và nợ công tăng cao khiến người dân lo lắng, bất an. “Một đứa trẻ sinh ra cũng không tránh khỏi nắm đấm này” - bà Hiền ví von.
Còn trong công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, yếu tố “người nhà”, “giọt máu đào hơn ao nước lã” lại mang tính quyết định, tiến độ thực hiện việc bổ nhiệm “thần tốc” gây ra bức xúc trong dư luận.
Theo ĐB Hiền, pháp luật nghiêm minh, chính sách công khai, quy trình minh bạch nhưng con đường đi đến công lý của người dân còn một khoảng cách khá xa và chông chênh...
“Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu” đang ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân” - ĐB Minh Hiền chất vấn.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay sau khi có phản ánh của báo chí về việc bổ nhiệm người nhà, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ kiểm tra, tiến hành thanh tra công vụ, báo cáo Thủ tướng. Ngay sau đó Bộ Nội vụ đã kiểm tra, rà soát tại 11 địa phương, phát hiện một số trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm.
“Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi những quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ hoặc chấm dứt hợp đồng với những trường hợp qua kiểm tra phát hiện có sai phạm. Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các trường hợp cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật” - Phó Thủ tướng thông tin.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Tư duy nhiệm kỳ cũng rất là tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể muốn thể hiện mình được phiếu cho nhiệm kỳ tới…”. Ảnh: QH
Giải pháp xóa tư duy nhiệm kỳ?
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào khắc phục và tiến tới xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ hay không?
Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng nhấn mạnh người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình, thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng những trường hợp này do công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ, bầu bổ nhiệm cán bộ không chính xác.
“Tư duy nhiệm kỳ cũng rất là tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể muốn thể hiện mình để được phiếu cho nhiệm kỳ tới, có thể thấy hết nhiệm kỳ rồi thì thôi, không có quyết tâm, nỗ lực. Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm minh” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Chính quyền “ưu ái” nhà đầu tư sẽ dẫn đến khiếu kiện
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC), giải quyết các vụ khiếu kiện đông người còn hạn chế khiến tình hình này đang diễn ra khá gay gắt ở một số nơi, tại một số thời điểm. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp đột phá nào giảm tải những vụ khiếu kiện đông người cũng như giảm tải đơn thư KN-TC trong phạm vi cả nước?” - ĐB Hà Nội hỏi.
Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương, một phần quy định pháp luật chưa rõ ràng, khó áp dụng, một phần giá cả bồi thường khi giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án không phù hợp.
“Những nhà đầu tư có lương tâm, có trách nhiệm đứng ra giải quyết với dân sòng phẳng thì dự án triển khai rất thuận lợi. Còn chính quyền ưu ái cho nhà đầu tư thì cuối cùng sẽ dẫn đến khiếu kiện. Thực tế, có nhiều vụ việc bồi thường cho người dân giá rẻ, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng làm giá trị tăng cao, nhà đầu tư hưởng lợi nên người dân không đồng tình dẫn đến khiếu kiện” - Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Còn bao nhiêu dự án “đắp chiếu” nữa? ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi ngoài 12 dự án gây lãng phí nhiều ngàn tỉ đồng, hiệu quả đầu tư kém đã được xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng trên? Thời gian tới Chính phủ có biện pháp gì để phát hiện và xử lý những dự án tương tự nếu có, để hạn chế lãng phí trong đầu tư? Để xảy ra tình trạng trên thì trách nhiệm thuộc về ai? Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định 12 dự án này sẽ cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát cho ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả tổ chức và cá nhân - những người chịu trách nhiệm trực tiếp. Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo khắc phục hậu quả của việc này. “ĐB hỏi ngoài 12 dự án này còn nữa hay không, tôi xin trả lời mang tính ước lệ thôi, không thể khẳng định là không có, cũng không thể nói là không còn... Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án “đắp chăn đắp chiếu” - Phó Thủ tướng cho hay. |