Thu hồi đất sai, ủy ban phải hủy quyết định

Chiều 14- 4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xử sơ thẩm vụ bà Nguyễn Thị Bốn (ngụ thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) kiện UBND huyện Khánh Sơn. Trước đó, vào ngày 9-3, phiên tòa này đã được tạm ngừng để UBND huyện Khánh Sơn tự đối thoại lại với bà Bốn.

Thuyết phục dân rút đơn kiện không thành

Theo hồ sơ, bà Bốn khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa hủy bốn quyết định của UBND huyện Khánh Sơn. Đó là Quyết định số 384 ngày 29-6-2016 về thu hồi đất của hộ bà Bốn; hai Quyết định số 383, 385 cùng ngày này về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; Quyết định số 522 ngày 6-9-2016 về xác định lại diện tích thu hồi.

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 9-3, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX hủy Quyết định thu hồi đất số 384 và Quyết định xác định lại diện tích thu hồi số 522 của UBND huyện Khánh Sơn vì chưa đúng thủ tục, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bà Bốn.

Sau khi nghị án, HĐXX bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi. Lúc này, đại diện UBND huyện Khánh Sơn và đại diện VKS đều đề nghị HĐXX cho tạm ngừng phiên tòa để UBND huyện tự đối thoại với người khởi kiện. Tuy bà Bốn không đồng ý nhưng HĐXX vẫn tuyên bố tạm ngừng phiên tòa.

Đại diện người khởi kiện và đại diện UBND huyện Khánh Sơn (áo trắng) tại phiên tòa chiều 14-4. Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Sau đó, ngày 15-3, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức đối thoại với bà Bốn. Biên bản đối thoại ghi: “Ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông qua nội dung phiên tòa sơ thẩm ngày 9-3 của TAND tỉnh Khánh Hòa. Qua phần tranh tụng trước tòa, cung cấp các giấy tờ, chứng cứ, phần biện luận bảo vệ của luật sư cho hộ bà Bốn, ý kiến của đại diện VKSND tỉnh, cho thấy UBND huyện Khánh Sơn ban hành các quyết định thu hồi đất là có cơ sở, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, gia đình cũng không cung cấp được các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích UBND huyện đã có quyết định thu hồi, ngoài thửa đất số 15 tờ bản đồ địa chính số 19 tại thị trấn Tô Hạp. UBND huyện xét thấy nếu phiên tòa tiếp tục xét xử, gia đình tiếp tục giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện thì toàn bộ tài sản, cây trồng trên diện tích thu hồi này sẽ không được hỗ trợ, số tiền bồi thường, hỗ trợ sẽ giảm nhiều so với phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt; gia đình sẽ bị thiệt thòi, khó khăn hơn. Vì vậy, UBND huyện đề nghị gia đình hợp tác chấp hành các quyết định của UBND huyện đã ban hành, rút đơn khởi kiện thì UBND huyện sẽ xem xét bảo lưu giá trị bồi thường cho gia đình bà Bốn”.

Bà Bốn cương quyết không chấp nhận và đề nghị TAND tỉnh tiếp tục xét xử.

Bất ngờ hủy quyết định bị kiện

Không thuyết phục được bà Bốn rút đơn kiện, năm ngày sau, UBND huyện Khánh Sơn ra quyết định... thu hồi, hủy bỏ hai quyết định bị kiện số 384 và số 522. Lý do thu hồi, hủy bỏ là hai quyết định này thu hồi đất không đúng đối tượng.

Sau đó, bà Bốn có đơn gửi TAND tỉnh khẳng định vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị tòa xem xét hủy cả quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định bị kiện này. “Việc UBND huyện Khánh Sơn ra quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định bị kiện chỉ nhằm đối phó” - bà Bốn trình bày.

Tại phiên xử chiều 14-4, HĐXX chấp nhận xem xét tính hợp pháp của quyết định thu hồi, hủy bỏ hai quyết định bị kiện của UBND huyện Khánh Sơn. Theo HĐXX, các quyết định thu hồi đất bị kiện đã bị ủy ban thu hồi bằng quyết định mới ban hành nên đối tượng khởi kiện không còn. Mặt khác, HĐXX nhận định việc ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ đối tượng bị kiện của ủy ban là có căn cứ. Từ đó, HĐXX đã bác tất cả yêu cầu khởi kiện của bà Bốn.

Ủy ban thu hồi quyết định, tòa xử sao mới đúng?

Việc HĐXX tạm ngừng phiên tòa hành chính để các bên đương sự tự đối thoại là thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 (Luật TTHC 2015). Vấn đề là trong thời gian tạm ngừng phiên tòa này, ủy ban thu hồi các quyết định bị kiện thì tòa sẽ đình chỉ hay tiếp tục xét xử?

Hiện nay chưa có hướng dẫn mới của TAND Tối cao về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khoản 4 Điều 57 Luật TTHC 2015 quy định người bị kiện được quyền hủy bỏ, thu hồi quyết định hành chính bị kiện. Điều này kế thừa, giữ nguyên khoản 3 Điều 51 Luật TTHC 2010. Do nội dung điều luật không có sự thay đổi, đồng thời TAND Tối cao chưa có hướng dẫn khác nên đối với trường hợp người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định bị kiện thì áp dụng tương tự hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTHC 2010).

Theo đó, gặp trường hợp này, tòa thông báo cho người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập biết. Nếu người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đều rút đơn khởi kiện, yêu cầu thì tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút đơn khởi kiện, yêu cầu thì tòa tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Lúc này, tòa phải xem xét tính hợp pháp của quyết định bị kiện và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định bị kiện để tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có phán quyết đúng pháp luật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm