Hiện nay, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM và một số đơn vị liên quan đã tiến hành thu phí thử nghiệm – không thu tiền, để các doanh nghiệp quen với thủ tục, thao tác khi bắt đầu triển khai thu chính thức.
Tuy nhiên, các Hiệp hội doanh nghiệp lại tiếp tục kiến nghị dời thời gian thu phí hạ tầng cảng biển.
Hai lần lùi thu phí để hỗ trợ doanh nghiệp
Sau hai lần lùi thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM, hiện nay, một số hiệp hội doanh nghiệp đang tiếp tục kiến nghị lùi thời gian thực hiện. Dự kiến, mốc thời gian thu phí hạ tầng cảng biển sẽ bắt đầu tư ngày 1-4.
Dự kiến từ ngày 1-4 sẽ chính thức thu phí hạ tầng cảng biển. Ảnh: ĐT.
Cụ thể, cuối năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn TP, thời gian triển khai thu phí từ ngày 1-7-2021.
Sau đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuối tháng 6-2021, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết lùi thời hạn thu phí đến ngày 1-10.
Sau đó, ngày 19-10, HĐND TP.HCM tiếp tục thông qua Nghị quyết về lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1-4-2022.
Theo dự kiến, số thu trong ba tháng từ 1-7 đến 30-9-2021 là 723 tỉ đồng; nếu thu từ ngày 1-10-2021 thì số thu dự kiến trong sáu tháng là 1.482 tỉ đồng.
Theo UBND TP.HCM khoản thu dự kiến này xem như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đã hỗ trợ hơn 2.200 tỉ đồng
Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, HĐND và UBND TP.HCM để xin dời thời gian thu phí hạ tầng cảng biển.
Các thủ tục thu phí được làm từ xa, nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: ĐT.
Các doanh nghiệp này cho rằng thời gian áp dụng chưa phù hợp.
Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch COVID-19 hoặc cũng chỉ hoạt động cầm chừng được từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy...
Tới đầu năm 2022, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng...
Vì vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển vào thời điểm này là chưa phù hợp do làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cho rằng mức phí áp dụng chưa công bằng, gánh nặng về thủ tục hành chính, gây ách tắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, dù đã sắp tới thời điểm bắt đầu thu phí nhưng TP.HCM vẫn chưa có thông báo công khai về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể nào.
Các hiệp hội kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31-12-2022 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, trao đổi với BáoPháp Luật TP.HCM,Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết thu phí hạ tầng cảng biển được thực hiện theo Luật phí và Lệ phí. Đồng thời, TP.HCM cũng đã có hai lần lùi thời gian thu phí để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo đó, qua hai lần dời thu phí hạ tầng cảng biển, TP đã hỗ trợ các doanh nghiệp hơn 2.200 tỉ đồng. Vì vậy, thời điểm này không thể dời thu phí được.
Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn bộ số thu phí hạ tầng cảng biển, sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí sẽ nộp vào ngân sách TP.HCM. Sau đó, Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP.HCM bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển. Trong đó, chi phí trên sẽ được ưu tiên đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông Mỹ Thủy, khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh….. |