Thứ trưởng Bộ TT&TT: Báo chí cần kể nhiều câu chuyện truyền cảm hứng tích cực

(PLO)- Khi báo chí phản ánh cuộc sống theo lăng kính méo mó, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-12, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025. Ảnh: THANH TUYỀN

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo ông Lâm, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Ba năm qua, cả đất nước vượt qua đại dịch COVID -19 và hồi phục nền kinh tế, nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên các mặt báo. Đó là những câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên”, nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết...

“Nhưng mỗi ngày, mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt chúng ta vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp. Vẫn còn nhiều tin, bài thiếu tính nhân văn, quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí”- Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu thực tế.

Ông nói thêm, cũng có tình trạng nhiều nhà báo lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực để khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.

“Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt, người tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả"- ông nói.

Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm, hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người. Khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.

Theo ông, báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu nhưng việc phản biện phải mang tính xây dựng. Ông Lâm nói đây là việc khó, nhưng không phải là không làm được nếu cả đội ngũ cùng quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Báo chí cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp.

Từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, tầm thường hóa vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.

Ông cho rằng, truyền thông về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến là một sứ mệnh lớn lao của báo chí. Khi được báo chí phát hiện, tôn vinh, những tấm gương cao quý đó mới có cơ hội được tỏa sáng, nhân rộng, truyền cảm hứng và động lực.

Thứ trưởng Bộ TT&TT nói, đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại.

"Tìm kiếm giải pháp bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Các cơ quan báo chí hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước" - ông nhấn mạnh.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí để công tác truyền thông chính sách bảo đảm hiệu quả.

Ngày 9-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025” nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.

Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm