Miễn phí làm 82 thủ tục hành chính cho người dân, chính quyền chủ động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền... là những sáng tạo của Hà Nội trong quá trình triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Những sáng kiến này được Bộ Công an - cơ quan thường trực Đề án 06 đánh giá cao trong buổi sơ kết tổ chức hôm nay, 28-6.
Hà Nội còn 11 quận, huyện chưa hoàn tất số hóa dữ liệu hộ tích
Theo Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, những giải pháp này từ phía chính quyền đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhiều mặt đời sống xã hội.
Sự quyết liệt của lãnh đạo đang thúc đẩy đổi tư duy trong công tác quản lý của các cơ quan địa phương, thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Ông Lương Tam Quang cho rằng thời gian tới, Hà Nội cần đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. 11 quận, huyện chưa hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch khẩn trương xây dựng lộ trình chi tiết để hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng cuối năm.
Hà Nội cũng cần đẩy nhanh hơn nữa việc tạo lập dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Hà Nội, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan thí điểm tích hợp sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID.
Theo mô hình này, dữ liệu từ cơ sở khám chữa bệnh được chuyển về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và qua đó chia sẻ dữ liệu cho Hà Nội.
Chuyển đổi số là tất yếu, Hà Nội phải tiên phong
Dù chỉ là sơ kết ở địa phương nhưng với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự sự kiện này.
Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do vậy, các bộ ngành, địa phương cần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng số, đổi mới sáng tạo.
Nhưng mọi quá trình chuyển đổi đều bắt đầu với nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, để chuyển đổi số có kết quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương, các cơ quan trên cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã làm là có kết quả", "chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hoá - khoa học - giáo dục của cả nước thì càng phải đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ đô cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích, coi đó là mục tiêu của chuyển đổi số. Chính quyền cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân…
“Hai năm rưỡi vừa qua là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, phía trước còn nhiều công việc và khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta không lùi bước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định:
"Hà Nội sẽ cam kết hành động một cách quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của nhân dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay TP Hà Nội đã ban hành 2 Nghị quyết của HĐND TP, 1 Công điện, 4 Quyết định của UBND TP, 6 Kế hoạch và hơn 120 văn bản liên quan đến chuyển đổi số.
Trong đó, Hà Nội đã ban hành chính sách thu phí "không đồng" để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến (cả nước mới có 3 địa phương thực hiện là Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa); hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi có đề nghị cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục hành chính đến hết năm 2025. Cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID đạt 55,67%; giúp tiết kiệm 10,7 tỷ đồng/năm cho người dân và 6,85 tỷ đồng cho cơ quan hành chính nhà nước tại Hà Nội.
Hà Nội đã xây dựng, hoàn thiện và tái sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu tập trung; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết công việc. Đến nay, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô có CCCD; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung toàn thành phố về an sinh xã hội, người có công, trẻ em, BHXH, BHYT, BHTN, dữ liệu về đất đai..., kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…