Ngày 19-4, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Đến dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ có 14 dự án được trao Quyết định chủ trương đầu tư và 20 dự án ký Thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Toàn cảnh hội nghị
Mục tiêu của Hội nghị là mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trọng điểm để khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh cũng xác định Hội nghị là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư và là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại và quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, chiều 18-4, làm việc với lãnh đạo Bình Thuận, Thủ tướng cho rằng trong trung hạn, Bình Thuận phải tiếp tục vươn lên bằng “ba chân kiềng” là du lịch dịch vụ; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, và nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, kinh tế-xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỉnh chưa tạo được những “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Là một trong 4 ngư trường quốc gia, có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển nhưng hạ tầng phục vụ kinh tế biển còn thiếu; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch “đúng mức, đủ tầm”; tỉ lệ doanh nghiệp trên dân số còn thấp hơn bình quân cả nước. " Hiện nay Bình Thuận có khoảng 4.500 doanh nghiệp, phải phấn đấu đến năm 2020 có trên 7.000 doanh nghiệp.
Đánh giá Bình Thuận là một tỉnh lớn nhưng vẫn còn nhận trợ cấp ngân sách, Thủ tướng cho rằng, đây là trăn trở lớn. “Tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển để cùng đóng góp cho cả nước là rất quan trọng và chúng tôi muốn đặt bài toán này cho các đồng chí. Đồng thời đây cũng là một tồn tại cho chúng ta cùng suy nghĩ”, Thủ tướng nói và đặt mục tiêu đến năm 2019 tỉnh phải tự cân đối được ngân sách.
Thủ tướng khởi công Khu phức hợp công nghệ cao tại Bắc Bình, Bình Thuận ngày 18-4
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không đưa thêm nhiệt điện than vào khu vực Bình Thuận, thay vào đó là trở thành trung tâm lớn nhất Việt Nam về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời. Sắp tới, Thủ tướng sẽ xem xét về giá điện gió để kêu gọi thu hút đầu tư hơn nữa.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ ô nhiễm khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn ô nhiễm.
Về kiến nghị của tỉnh tăng giá mua điện các dự án điện gió ở mức phù hợp hơn để khuyến khích thu hút đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét trình phương án lên Thủ tướng theo hướng có mức giá phù hợp.
“Phải tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển mạnh doanh nghiệp. Tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp. Coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế”, Thủ tướng nêu rõ.