Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa được thành lập, có 15 thành viên, do TS Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, làm tổ trưởng.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng và các thành viên trong tổ. Ảnh: ttxvn
Tại cuộc làm việc, bên cạnh nhận diện thể trạng, “bắt bệnh” của nền kinh tế, ý kiến các chuyên gia tập trung hiến kế để “trị bệnh”, tăng cường sức lực cho nền kinh tế.
Theo báo cáo tổng hợp các ý kiến, phân tích của tổ tư vấn do TS Vũ Viết Ngoạn trình bày, động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên.
Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế (tiết kiệm-đầu tư và cán cân thanh toán; cân đối ngân sách; cân đối tiền tệ) đều đã tiệm cận giới hạn. Ông ví von: Như một cỗ máy, để có sự bứt phá thì cần “thay máy, thay động cơ”, chính là việc tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là năng suất mà ông đặt vấn đề tăng “năng suất đô thị”. Tức là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... cần có năng suất cao hơn để kéo cả cỗ máy.
Theo TS Trần Du Lịch, liều thuốc nhanh cho tăng trưởng mà ít tác dụng phụ là tăng tổng cầu, còn về lâu dài thì cần gỡ vướng về thể chế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận nhiều giải pháp mà tổ tư vấn đề xuất tương đồng với những giải pháp mà Chính phủ đang điều hành, qua đó củng cố thêm niềm tin là các giải pháp này đang đi đúng hướng.
Phó Thủ tướng mong muốn tổ tư vấn nghiên cứu, làm rõ thêm một số vấn đề như tăng trưởng hợp lý trong thời gian tới đây của chúng ta là gì, tiềm năng tăng trưởng đã tới hạn hay chưa, giải pháp nào để liên kết khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của Nhà nước đến đâu, vai trò của thị trường như thế nào?
Bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận các góp ý của tổ tư vấn hết sức quý báu, có tư duy đổi mới, khoa học. Các ý kiến đề cập nhiều đến các nguy cơ, rủi ro, nhất là các vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước thì “các đồng chí đã báo động với tư cách là những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực”.
Thủ tướng bày tỏ nếu chúng ta đi sai đường hoặc dừng lại, kể cả tư duy và cách làm sai thì sẽ gây hậu quả lớn. Trong đánh giá nền kinh tế nên nhìn một cách đầy đủ, có mặt sáng, có mặt tối.