Ngày 28-4, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều Bộ ngành Trung ương tham dự.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bốn dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 12.000 tỉ đồng và ký ghi nhớ nghiên cứu khảo sát đầu tư với 19 doanh nghiệp khác, tổng mức đầu tư đăng ký hơn 200.000 tỉ đồng.
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh: VĐ |
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin: Năm 2018, Sóc Trăng tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp. Đến nay, đã có bảy dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng, hiện có bốn dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn hơn 3.200 tỉ đồng.
Từ sau Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng đã đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư. Qua đó, đã thu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỉ đồng.
Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết để tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được và tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022-2025 theo năm trụ cột. Đó là: dịch vụ logistics, hạ tầng công nghiệp – đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics nhằm khai thác lợi thế vị trí được quy hoạch là cảng biển cửa ngõ của vùng ĐBSCL, trọng tâm là dự án cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả xúc tiến đầu tư mà Sóc Trăng đạt được trong hơn 4 năm qua.
Thủ tướng cũng chia sẻ 13 vấn đề để xây dựng, phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái thu hút đầu tư để đạt mục tiêu gói gọn trong 12 chữ, đó là "công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh: VĐ |
Thủ tướng yêu cầu phải phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, mà trước hết là hệ thống đường bộ cao tốc, cảng biển trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL rất lớn, đặc biệt là nông sản, thủy sản… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Người đứng đầu Chính phủ cũng tán thành với định hướng thu hút phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Thủ tướng cho rằng Sóc Trăng có đường bờ biển dài khoảng 72 km, sức gió bình quân hơn 6 m/giây, đây là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió...
"Hôm qua, tôi khảo sát ven biển Sóc Trăng thấy việc bồi lắng ven bờ có thể giúp các trụ điện gió ngày càng đứng vững, trong khi năng lượng gió ngày càng rẻ. Nhưng muốn chuyển đổi năng lượng cần phải chuyển đổi đồng bộ về pháp lý, công nghệ, tài chính, quản trị và con người. Mặt khác, phải nói thẳng thắn với các nhà đầu tư rằng Việt Nam đã trải qua chiến tranh kéo dài, là nước đang phát triển. Vì vậy, phải hỗ trợ Việt Nam để việc ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý Sóc Trăng và các tỉnh cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng chia sẻ 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư:
- Thứ nhất là phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng.
- Thứ hai là phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách minh bạch, công khai, ổn định, góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư.
- Thứ ba là thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
- Thứ tư là phải coi trọng công tác quy hoạch.
- Thứ năm là giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như: ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu...
- Thứ sáu là phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước.
- Thứ bảy là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
- Thứ tám là sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương.
- Thứ chín là sự đồng hành của doanh nghiệp.
- Thứ mười là sự ủng hộ của người dân.
- Mười một là vấn đề huy động nguồn lực.
- Mười hai là vấn đề truyền thông.
- Mười ba là việc tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đúng quy định của pháp luật.