Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến uy tín của ngành công thương. Đây là thực trạng của Bộ Công Thương được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sáu tháng năm 2016 của ngành, chiều 12-7.
Bộ máy quá cồng kềnh
Theo đó, Thủ tướng cho rằng công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua ở bộ này vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến uy tín của ngành; tạo ra những dư luận không tốt về ngành.
Từ đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần tái cơ cấu bộ máy quản lý. “Bộ Công Thương hiện có bộ máy cồng kềnh dẫn đến kỷ cương bị buông lỏng, tính tương tác của bộ máy rất thấp. Theo thống kê, Bộ có tới 30 cục, vụ, viện; 32 trường đại học, cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty,… với hàng vạn người lao động. Bộ máy to đùng mà không làm được việc thì cần phải xem xét lại” - Thủ tướng dẫn chứng.
Cùng với việc đưa ra những con số trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các thứ trưởng phải xem lại cách điều hành những lĩnh vực phụ trách. “Bản thân các thứ trưởng là người đứng đầu các lĩnh vực cần siết lại công tác quản lý cán bộ, bộ máy cấp dưới để hoạt động có hiệu quả hơn”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải xem lại bộ máy quản lý. “Nhiều người mà chỉ đi vào đi ra, làm việc kém hiệu quả làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của chính Bộ Công Thương cũng cần tái cơ cấu triệt để, công khai. Người nào việc nấy, làm việc có hiệu quả, xác thực” - Thủ tướng thẳng thắn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay Bộ sẽ rà soát để bổ sung điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương. Ảnh: TTXVN
Chấm dứt lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương cần có tư duy tập trung làm những việc mà thị trường làm không tốt, còn lại để thị trường làm, đảm bảo sự cạnh tranh, bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN). Theo đó, các ngành công nghiệp thương mại trong nước cần nâng cao hơn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Huy động vốn từ khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh hơn, tham gia tích cực vào công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và DN nhà nước phải nhỏ đi nhưng hiệu quả hơn.
“Để đạt được mục tiêu này, cần làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần thúc đẩy phát triển DN. Hình thành tư duy định hướng lớn của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, lấy DN làm trọng tâm phục vụ” - Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định các cơ quan, ban ngành trực thuộc Bộ Công Thương cần thực hiện theo tinh thần của Chính phủ là phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường sống và môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Thủ tướng khẳng định: “Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt xin-cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Mỗi DN cần tự đi bằng đôi chân của mình để vững bước vươn ra biển lớn. Chấm dứt lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Tránh để xảy ra tình trạng các dự án đắp chiếu mà báo chí phản ánh quá nhiều trong thời gian qua. Chẳng hạn như dự án thép Thái Nguyên. Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào đây như ném tiền vào lửa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý ngành công thương cũng cần phải thay đổi trong quản lý công nghiệp, tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, nâng cấp nền kinh tế. Nhưng đồng thời người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý thêm rằng chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào, bài học Formosa là bài học vô cùng lớn về môi trường mà mỗi bộ, ngành cần suy ngẫm.