Sáng 2-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2024. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.
Cả nước đã tạo được đà, động lực mới, khí thế mới
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ngày càng có kinh nghiệm hơn, quyết liệt hơn, vững vàng hơn, linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn.
Khái quát những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước đã tạo được đà, động lực mới, khí thế mới, cảm hứng mới, sự cộng hưởng mới để tiếp tục thúc đẩy công việc trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao…
Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, bất ngờ…
Về quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành.
Ông đề nghị theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".
Cạnh đó, cần nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn, đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa.
Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các nhiệm vụ của tháng 3, Quý I gắn với nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả.
Sớm trình sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng
Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Thủ tướng nhắc tới nhiệm vụ tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Ông yêu cầu dứt khoát trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép. Cùng với đó, giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; chi thường xuyên có tính chất đầu tư.
"Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện. Phải rà soát việc này hàng tháng"- Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Phấn đấu tỉ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33,5 nghìn tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024…
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi để người lao động trở lại làm việc sau nghỉ Tết. Chủ động rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợ gạo kịp thời trong dịp giáp hạt.
Ông cũng lưu ý việc chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt- Trung, Gang thép Thái Nguyên- giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam…