Ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ ba, QH khóa XV.
Cử tri Đỗ Văn Ngon phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ ngày 10-7. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đỗ Văn Ngon (quận Cái Răng) góp ý Bộ GD&ĐT nên quan tâm làm sách giáo khoa thống nhất cả nước, còn như vừa qua đổi sách liên tục gây khó khăn cho người dân. Ông Ngon cũng đề nghị tăng cường xử phạt hàng gian hàng giả; hỗ trợ giải quyết lương cho lực lượng bán chuyên trách ở địa phương, hỗ trợ cho người tham gia phòng chống dịch…
Cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng) kiến nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ để Cần Thơ phát triển thực sự là trung tâm của vùng. Trong đó, hỗ trợ ngân sách để đầu tư giao thông tránh dự án kéo dài. Cạnh đó, ông Bé cho rằng Luật Đất đai 2013 còn nhiều bất cập, quy hoạch treo, dự án treo và giá cả đền bù thấp trong khi phân lô nền giá cao.
“Đền bù 800 triệu/1000m2 mà người dân mua 2-3 tỉ/100m2 thì ai mua nổi, còn bất cập thủ tục vòng vèo, rườm rà, đề nghị sửa Luật Đất đai thông thoáng để quyền lợi người dân tốt hơn, hưởng thụ nhiều hơn” – ông Bé nêu ý kiến.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ ngày 10-7. Ảnh: NHẪN NAM |
Cử tri Nguyễn Xuân Xinh (quận Ninh Kiều) băn khoăn về chỉ số tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6,5% liệu có đạt được trong điều kiện tình hình kinh tế, dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp. Cạnh đó, ông Xinh cũng bày tỏ, liệu có kiểm soát lạm phát dưới 4% như đề ra.
“Đề nghị Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ cho biết thông tin 12 đại án làm tổn thất 63.300 tỉ giờ này thế nào rồi, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản thế nào?” – ông Xinh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng có ý kiến về giải quyết khó khăn trong mua thuốc, sinh phẩm phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho người dân, quan tâm lực lượng y bác sĩ…
Thay mặt lãnh đạo TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, giải trình một số ý kiến cử tri liên quan đến trách nhiệm của TP.
Trả lời một số vấn đề cử tri nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về tình hình dịch COVID-19 và cho rằng không được lơ là chủ quan mất cảnh giác dù độ bao phủ vaccine khá lớn.
Điểm lại một số vấn đề lớn về tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng cho rằng chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức. Cạnh đó, Thủ tướng cũng điểm lại tình hình kinh tế xã hội cả nước 6 tháng đầu năm, trong đó đáng chú ý kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (2,44%), thị trường lao động phục hồi tốt, thu nhập bình quân đạt hơn 7 triệu/người/tháng…; tổ chức Sea Game 31 thành công tốt đẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời một số vấn đề cử tri nêu ra tại cuộc tiếp xúc ngày 10-7. Ảnh: NHẪN NAM |
Về 12 dự án thua lỗ ngành công thương, Thủ tướng cho biết chúng ta đã giải quyết được cơ bản 7/12 doanh nghiệp thua lỗ. Chính phủ đã cắt giảm khoảng 5.000 dự án để tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, chiến lược đặc biệt là hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…
6 tháng cuối năm, Thủ tướng cho rằng cần tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm cấp bách. Trong đó thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt an toàn và thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, giảm các loại thuế phí lệ phí, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu tiết kiệm chi, giảm nợ công…
Song song với đó, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, phòng chống đầu cơ tích trữ, buôn lậu, tiêu cực; Đảm bảo vững chắc nguồn cung năng lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn an ninh lương thực.
Khắc phục vấn đề mua thuốc, Thủ tướng cho biết sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã vào cuộc tích cực hơn đã mở thầu với tổng thầu khoảng 9.000 tỉ cho thuốc, vật tư.
Thủ tướng gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri Cần Thơ trong giờ giải lao. Ảnh: NHẪN NAM |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ngay ở Cần Thơ, các sở ngành cũng phải vào cuộc, căn cứ quy định làm nghiêm túc công tác đấu thầu để giải quyết khó khăn về thuốc trong khám, chữa bệnh cho người dân.
“Trước khi tôi vào đây đã có chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính và Y tế. Việc này đáng lý của Bộ Y tế, nhưng tôi chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính hướng dẫn, tháo gỡ cho y tế, còn Bộ Y tế lo chống dịch, lo sức khỏe… Chỗ này cũng từng bước khắc phục và kịp thời tháo gỡ, vì đây là vấn đề nổi lên trong thời gian vừa qua. Chính phủ cũng đã lắng nghe người dân, báo chí và đã vào cuộc tích cực cái này.
Tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch UBND các cấp trong đó có TP Cần Thơ cũng phải tích cực vào cuộc, tinh thần làm trong sáng đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng” – ông Chính cho hay.
Về các công trình trọng điểm, Thủ tướng cho biết tối qua ông đã đi khảo sát Cảng Cái Cui (ở Cần Thơ) xem như nào. Cảng này đầu tư cũng lâu rồi nhưng hôm qua xem lại thấy hiệu quả chưa cao vì luồng Định An. Ông cho biết vấn đề này cần xử lý ngay.
Chiều nay, Thủ tướng cùng đoàn công tác sẽ họp với Cần Thơ để bàn việc này xem cần cơ chế nào. Ông cũng đề nghị Cần Thơ cần tiết kiệm và đầu tư trọng tâm trọng điểm, đầu tư cái nào dứt cái đó rồi mới làm cái khác.
“Liên quan sách giáo khoa, học phí… phải nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể, nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Tinh thần chung là giảm khó khăn cho phụ huynh, học sinh trong điều kiện hiện nay, còn mức độ, thời điểm nào, cách làm thế nào thì các bộ các ngành phải làm thấu đáo” - Thủ tướng Phạm Minh Chính
Cũng theo Thủ tướng, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực rất khó, đụng đến tất cả mọi người dân. Vấn đề học môn lịch sử cũng đã nói rồi, chúng ta vừa có học bắt buộc vừa có học tự chọn, để kiến thức phổ thông liên tục từ lớp 1-12. Tự chọn ở cấp cuối để các em, các cháu học sinh thấy cần thiết và đảm bảo đam mê, đúng tinh thần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.
Liên quan sách giáo khoa, Thủ tướng cho biết trong cuộc họp Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành nghiên cứu một cách thấu đáo, căn cứ vào pháp lý, tình hình thực tiễn để nghiên cứu làm sao phù hợp chính sách.