Chiều 27-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Chính phủ cùng TP xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới TP.HCM không chủ quan trước những gì đã đạt được, không thỏa mãn nhưng cũng không bi quan. “TP phải khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập để phấn đấu hoàn thành vượt mức 19 chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM. Ảnh: TTXVN |
Để chuẩn bị cho các công việc năm 2023, Thủ tướng đề nghị TP rà soát các công việc, đồng thời tập trung vào ba nhiệm vụ của quy hoạch gồm: Quy hoạch TP Thủ Đức, quy hoạch chung của TP và quy hoạch chung về kinh tế - xã hội của TP.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP, nhanh chóng chọn nhà tư vấn, các đơn vị thực hiện quy hoạch này.
Liên quan đến vấn đề giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đề nghị TP.HCM tập trung vào năm dự án trọng điểm là dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành - Tham Lương; dự án đường vành đai 3 TP.HCM; dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và dự án nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất.
TP.HCM đạt nhiều thành tích
về kinh tế - xã hội
Thủ tướng đánh giá dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng kinh tế - xã hội TP.HCM đạt được những thành tích rất khả quan. Cụ thể là:
- GRDP tăng hơn 9%, trong khi năm ngoái là -6,79%.
- Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 17,3%.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu TP đạt 50 tỉ USD.
- Thu ngân sách nhà nước của TP ước tính đạt 547.000 tỉ đồng (118,35%) dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ, chiếm 1/3 tổng thu ngân sách cả nước.
Thủ tướng cũng cho hay Chính phủ sẽ cùng với TP chỉnh sửa nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
“Bộ KH&ĐT tập trung tối đa công việc và tiếp thu toàn bộ ý kiến của TP.HCM, đặc biệt là rà soát những thí điểm về kinh tế - xã hội, tổ chức, cán bộ... xem vấn đề gì cần đưa vào nghị quyết thay thế để sớm trình Bộ Chính trị” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay TP phải chủ động, để khi có nghị quyết của Bộ Chính trị thì có thể bắt tay ngay vào việc thực hiện.
Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM tập trung chỉ đạo điều hành và dành nguồn lực cho ba động lực tăng trưởng rất quan trọng của TP. Cụ thể là về tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu.
Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì cùng TP đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới về công nghệ, thúc đẩy phong trào về đổi mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, đổi mới công nghệ...
Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng với TP tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường để xuất khẩu, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh… nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo khó khăn, người có công, nhất là trong dịp tết Nguyên đán 2023 đang đến gần…
Thủ tướng cũng đề cập về tình trạng thiếu xăng cục bộ diễn ra thời gian qua và nêu nguyên nhân chính của vấn đề là giá cả chưa theo đúng quy luật thị trường.
Thủ tướng cho hay đã giao Bộ Công Thương phải hoàn thành việc sửa đổi các quy định trước ngày 20-12, để từ đó xăng dầu có thể hoạt động theo đúng quy luật cạnh tranh, đảm bảo cung - cầu.
TP.HCM không nói/bàn chung chung
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết tình hình kinh tế TP có những điểm vui vì có nhiều chỉ tiêu đạt được sau dịch. Dù vậy, TP vẫn đang đối mặt với những vấn đề khó khăn. Thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, sản xuất, kinh doanh xăng dầu có nhiều biến động.
Bí thư Nên cho rằng nếu không có giải pháp ứng phó để đạt được các chỉ tiêu trong năm nay, chắc chắn bước sang năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn. Từ đó, ông Nên cho biết TP sẽ chủ động rà soát tất cả lĩnh vực còn sót, yếu, vướng để tập trung tháo gỡ quyết liệt hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh TP mạnh dạn xin cơ chế thí điểm những vấn đề mới và mong sớm được chấp thuận để thực hiện. “Dám nghĩ, dám đề xuất, mạnh dạn đề xuất” - Bí thư Nên nói và nhấn mạnh tư tưởng của TP.HCM trong bàn bạc, tháo gỡ khó khăn là phải cụ thể từng vấn đề, không nói/bàn chung chung và phải tạo ra được sản phẩm có giá trị.
Kiến nghị xem xét nới room tín dụng thêm 2%
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng để nâng tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP.
Cùng với đó, TP.HCM kiến nghị cần khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong đó, TP.HCM kiến nghị xem xét nới room tín dụng thêm 2%; xem xét sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm.
Về du lịch, TP.HCM đề xuất Chính phủ xem xét, thay đổi chính sách visa đảm bảo thông thoáng hơn so với thời gian trước dịch theo hướng kéo dài ngày hơn.
Về việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cho UBND TP.HCM, TP kiến nghị Chính phủ trong thời gian chờ sửa đổi Nghị quyết 54/2017 hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan... chấp thuận cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.
TP.HCM mong muốn Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối.
Trong đó, mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu; ghi nhận đầy đủ và kịp thời các khoản chi phí trong hình thành giá cơ sở; có tính toán tỉ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu. Đồng thời tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.
TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt để ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng khảo sát các dự án phát triển hạ tầng tại TP.HCM
Sáng 27-11, Thủ tướng đã trực tiếp khảo sát Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.
•Dự án mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nâng công suất nhà máy từ 141.000 m3/ngày đêm lên 469.000 m3/ngày đêm; thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của khoảng 2 triệu người dân trên địa bàn sáu quận trung tâm của TP.HCM và giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực các kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, Đôi, Tẻ.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA chiếm 90%; do các nhà thầu quốc tế thi công. Hiện dự án đạt tiến độ 98% và đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, vệ sinh tổng thể. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động chính thức vào ngày 30-4-2023.
Đây là một trong năm nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á và chỉ cần 50 công nhân vận hành.
Sau khi nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến dự án. Trong đó, lưu ý hệ thống phải thu gom hết nước thải thuộc lưu vực để xử lý triệt để, không để nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường.
• Tại dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, sau khi nghe báo cáo về dự án, tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Thủ tướng cho rằng đây đều là những tuyến đường quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP và các tỉnh trong vùng.
Do đó, các tuyến đường này phải được đầu tư mang tính lâu dài, đồng bộ, hiện đại, tránh phải đầu tư nhiều lần vừa lãng phí thời gian, công sức làm thủ tục, quản lý đầu tư...