Năm học 2023-2024, tại TP.HCM, HĐND TP ban hành Nghị quyết 04 quy định 26 khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Cạnh đó, Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT cho phép vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các trường học. Còn Thông tư 55 có điều khoản quy định kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (HS). Căn cứ vào tình hình thực tế, một số trường không thực hiện chủ trương xã hội hóa theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT.
Không thực hiện vận động tài trợ
Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 đã có thông báo về thu học phí và các khoản thu khác trong năm học này. Đáng chú ý, trường không vận động tài trợ cho trường theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, trường cũng không vận động kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường theo Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT.
“Bốn năm liên tục trường không vận động thu các khoản tài trợ và hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường. Tuy nhiên, trường vẫn sửa chữa cơ sở vật chất, khen thưởng, tổ chức các hoạt động. Vì thế, giáo viên không áp lực khi phải vận động thu tiền, chỉ tập trung chuyên môn” - ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch.
Tại cuộc họp giao ban hiệu trưởng các trường công lập tại TP.HCM vào ngày 10-10, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định trường học không tổ chức thu quỹ lớp, quỹ trường.
Ông Cường cho biết ngân sách đã cấp đủ cho hoạt động chi trả lương và các hoạt động cơ bản của nhà trường, ngoài ra trường được phép thu học phí. Học phí của HS sau khi trích cải cách tiền lương, chi cho các hoạt động của trường, cuối năm sau khi chi hết, phần kết dư mới chi thêm cho đời sống của giáo viên, công nhân viên. Chủ trương của nhà trường là không vận động nhưng nếu phụ huynh có mong muốn tài trợ thêm cho trường, lớp thì đề xuất, nếu đúng theo quy định sẽ thực hiện.
Cũng theo ông Cường, đối với các khoản thu dịch vụ thỏa thuận với phụ huynh như Anh văn, tin học, kỹ năng sống, bán trú… trường gửi phụ huynh mỗi nội dung thu bằng một văn bản riêng biệt để đăng ký.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS tại nội thành cho biết trường không tổ chức thực hiện hoạt động tài trợ theo Thông tư 16. “Phụ huynh của trường đa số lao động nghèo, sau mùa dịch đời sống càng khó khăn hơn nên rất khó thực hiện. Vì vậy, hoạt động của HS đều lấy từ ngân sách, nguồn thu từ việc dạy học như tiền học phí và các hoạt động liên kết đào tạo” - vị này nói thêm.
Vận động tài trợ để chăm lo cho học sinh
Tuy nhiên vẫn có nhiều trường thực hiện tài trợ theo Thông tư 16 để chăm lo các hoạt động của HS.
Năm học 2023-2024, Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 thống nhất với ban đại diện cha mẹ HS thực hiện bảy công trình vận động tài trợ gồm khử khuẩn, xịt khuẩn, làm sạch nhà vệ sinh, hành lang, cầu thang; bồi dưỡng HS tham gia các kỳ thi HS giỏi cấp quận và TP; hỗ trợ HS đoạt giải trong các hội thi cấp quận và TP; hỗ trợ HS đạt thành tích cao trong học tập; hỗ trợ học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn, HS thuộc diện chính sách; trang bị máy lạnh cho một phòng học mới phát sinh trong năm học 2023-2024; lắp camera tại lớp học.
Ông Trần Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết 6/7 công trình vận động tài trợ đã được thực hiện từ năm học trước. Riêng hạng mục “lắp camera trong lớp học” mới được đề xuất triển khai trong năm học này do nhiều cha mẹ HS lo lắng về tình trạng mất cắp tài sản thường diễn ra. Việc này cũng nhận được những ý kiến trái chiều.
“Do đó, việc lắp camera trong lớp học chỉ triển khai khi nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và phê duyệt từ Sở GD&ĐT” - ông Phong nói và cho biết trường thực hiện vận động nhưng không ép buộc, không quy định mức đóng, phụ huynh có điều kiện thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn, phụ huynh khó khăn thì sẽ được miễn.
Phải tạo được đồng thuận khi thực hiện xã hội hóa
Việc vận động tài trợ về cơ sở vật chất theo Thông tư 16, các trường rất ngại thực hiện không chỉ vì thủ tục mà để có được sự đồng thuận của 100% phụ huynh rất khó vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để tham gia.
Năm học này, tại trường tôi đang vận động tài trợ sửa sang, cải tạo các lớp học. Kế hoạch trên đã được Sở GD&ĐT phê duyệt và đang được triển khai. Công trình này có chi phí khá lớn nếu phụ huynh phải đóng một lần. Do đó, sau khi thống nhất với ban đại diện cha mẹ HS, trường đã có phương án chia nhỏ số tiền đóng theo từng năm, theo hình thức trả góp. Đặc biệt, đối với những phụ huynh khó khăn thì sẽ không phải đóng khoản này.
Mặt khác, trường còn có chính sách miễn, giảm đối với HS khó khăn các khoản thu ngoài học phí như tiếng Anh bản ngữ, tiền kỹ năng sống, giảm 50% tiền học phí buổi hai. Bên cạnh đó, trường còn triển khai học bổng đối với các HS nghèo vượt khó ngay từ đầu năm học với mỗi suất từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận nội thành chia sẻ