Thuế lũy tiến BĐS: Mỗi người hiểu mỗi cách!

Nhà có diện tích từ 100m2 trở xuống thì không phải đóng thuế. Nếu diện tích 101-150m2, chủ nhà phải nộp 130% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với phần diện tích chênh lệch tăng thêm. Tương ứng, mức thuế suất là 150% nếu diện tích 151-200m2, là 200% nếu diện tích trên 200m2.

Chủ trương áp dụng thuế lũy tiến là để hạn chế đầu cơ, giúp người có nhu cầu được tiếp cận với nhà ở, mặc dù vậy, nhưng khi đi vào cụ thể hơn về chính sách này, mỗi người lại hiểu theo mỗi hướng khác nhau.

Thuế lũy tiến: đánh vào DN hay giới đầu cơ?

Một chủ DN kinh doanh BĐS, xin được không nêu tên, nói rằng DN lập dự án làm ra sản phẩm. Thế nhưng đánh thuế lũy tiến thì những DN bất động sản như ông sẽ phải là đối tượng nộp nhiều nhất.

Cách hiểu này không chỉ ở mỗi vị giám đốc trên, mà gần như là phần lớn các DN. Tiếp xúc với 5 DN kinh doanh trong lĩnh vực này, thì đã có 2 nghĩ rằng mình sẽ bị đánh thuế lũy tiến.

Trong những buổi hội thảo gần đây tại TP.HCM, các kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy, tổ chức này cũng đang rất lo lắng cho thành viên của mình. Một lãnh đạo HoREA cho rằng, thuế lũy tiến sẽ đẩy các DN BĐS vào cảnh khốn khó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều DN đã không nghĩ theo nghĩa này, mà hiểu được rằng thuế lũy tiến chỉ đánh vào giới đầu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty NHP, kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, nói: “Chắc chắn Nhà nước sẽ không đánh vào DN. Vậy những trung gian nếu muốn khỏi bị đánh thuế lũy tiến thì cứ lập đề án, mở doanh nghiệp”.

Tuy nhiên ông Lâm Văn Chúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phúc Đức, đặt vấn đề: “Đăng ký lập DN, rồi mua nhà, đất đầu cơ chờ tăng giá thì sao?”.

Chưa ai trả lời câu hỏi của ông Chúc.

Chính giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, người từ bao nhiêu năm nay đeo đuổi với đề xuất đánh thuế lũy tiến BĐS, cũng cho rằng người ta đã hiểu khác đi ý của ông. Mục đích của ông khi đưa ra đề xuất thuế lũy tiến là đánh vào giới đầu cơ, vào người nhiều đất không sử dụng, chứ không phải đánh vào doanh nghiệp.

Thuế lũy tiến BĐS: Mỗi người hiểu mỗi cách! ảnh 1
Sẽ không còn cảnh chen lấn giành giật mua nhà như thế này. Ảnh: Đặng Vỹ
Điều tiết hay tận thu?

Dường như cơ quan quản lý cũng không hiểu hết chủ trương của Chính phủ nghĩa là đánh thuế để điều tiết, mà vẫn cứ hiểu theo nghĩa như là đánh thuế tài sản thông thường. Chính cách hiểu đó mới đưa đến việc Bộ Xây dựng đã đưa ra một hạn mức 100m2/hộ hoặc 20m2/người.

“Một hộ 4 người 120m2, trong đó phòng dành cho con cái, phòng dành cho cha mẹ. Vậy ông bà nội ngoại đến thăm không biết sẽ ở đâu?” - ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch HoREA đặt vấn đề.

Hầu hết những người được tham khảo ý kiến đều cho rằng “quota” này rất bất hợp lý, quá manh mún và tầm nhìn còn hạn hẹp.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký HoREA cho rằng, quy định trên hạn chế quyền hưởng thụ tiện nghi của con người, kéo lùi chất lượng cuộc sống.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TP.HCM, nói rằng cơ quan tham mưu đã chệch hướng, không còn là chống đầu cơ mà là tận thu khi đi tính mét vuông trên đầu người.

Điều bất cập còn thể hiện ở chỗ, giả sử cặp vợ chồng trẻ muốn tránh đánh thuế lũy tiến thì chỉ mua căn nhà cao nhất là đến 40m2. Tuy nhiên điều này lại trái với quy định, vì ở TP.HCM, đất tách thửa phải trên 45m2. Hoặc từ trước đến nay Nhà nước quy định cấp đất thổ cư ở thành phố tối đa 200 m2/hộ, ở nông thôn tối đa 400 m2/hộ. Như vậy Nhà nước đã chấp nhận đây là hạn mức tối đa, nên đánh thuế lũy tiến dưới hạn mức này là không hợp lý.

Về lý thuyết nếu mọi nhà đều có đất thổ cư như quy định, thì có nghĩa toàn dân phải đánh thuế lũy tiến!

Ý kiến chung của phần lớn được hỏi đều cho rằng, hạn mức nên tính trên đơn vị là căn nhà. Dù lớn nhỏ, rộng hẹp, rõ ràng là căn nhà đó đang được sử dụng, không thể đánh thuế. Nên đánh thuế bắt đầu từ căn nhà thứ hai.

Đồng tình

Có thể nói, không có một chủ trương nào lại có nhiều ý kiến trái ngược nhau như chủ trương đánh thuế lũy tiến. Người đồng tình nhiều, nhưng người phản đối cũng không ít.

Đồng tình mạnh mẽ nhất có lẽ là tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Chuyên gia nghiên cứu kinh tế này rất hăng hái khi nói về việc chống đầu cơ và khuyến khích xây nhà bán giá rẻ cho người dân.

“Đất là tài sản quốc gia, không lý gì để thành quả, tài sản quốc gia rơi vào tay một số người lợi dụng đầu cơ, làm giàu sống như trọc phú, còn người nghèo không có nhà để ở” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội, cho rằng cần phải cân nhắc thêm: “Thuế có thể thực hiện, nhưng một mặt Nhà nước nên có giải pháp xây dựng nhiều nhà giá rẻ mới đáp ứng được nhu cầu ở của người dân”.

Khá nhiều ý kiến cho rằng chủ trương chống đầu cơ là đúng đắn, vấn đề là giải pháp đưa ra phải thật hợp lý, không nên quá sức dân hoặc thiếu tiên liệu gây hậu quả. Vấn đề mấu chốt các ý kiến đề nghị là xem lại hạn mức và các mức thuế.

Phản đối

Tuy nhiên số không đồng tình với việc đánh thuế lũy tiến lại rất lớn. Không kể các DN kinh doanh BĐS vì có quyền lợi liên quan, những ý kiến phản đối cho rằng chủ trương này sẽ khiến cho lĩnh vực BĐS càng khó khăn thêm, nhưng chưa chắc người dân đã mua được nhà để ở.

Ông Trần Quang Thắng cho rằng thuế lũy tiến không giải quyết được cội nguồn vấn đề, bởi đây vẫn là mệnh lệnh, không căn cứ theo quy luật kinh tế.

Ông Thắng nói rằng việc đánh thuế lũy tiến này không phải là điều tiết nền kinh tế, mà sẽ hạn chế nhu cầu mua bán, dự trữ tài sản.

Đinh Gia Diên, một doanh nhân kinh doanh vàng bạc đá quý, cho rằng người bán sẽ đưa phần thuế này vào giá bán. Và như vậy, giá BĐS chưa chắc đã hạ, mà có thể tăng lên và thiệt nhất là người mua.

Theo quan điểm của ông Trần Ngọc Anh, phải nhìn BĐS cũng là một sản phẩm hàng hóa của nền kinh tế thị trường. Mà hàng hóa thì cũng phải được mua, kinh doanh để dành, như vàng, chứng khoán, cũng lành mạnh không có gì đáng bị ngăn cản.

Các ý kiến đều cho rằng, giải quyết vấn đề nhà ở phải bằng việc tăng cung sản phẩm, và việc này phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Riêng Giáo sư TS Hồ Đức Hùng cho rằng giải pháp này chỉ có tác dụng trước mắt là kìm giá, chống lãng phí, nhưng lâu dài không ổn vì thiếu căn cơ.

“Không khác gì sốt, chườm nước đá sẽ mát tạm thời, nhưng không thể hết sốt. Muốn hết sốt, phải là thuốc, điều trị có phác đồ” - giáo sư nói.

Đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2008/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ nhằm hạ nhiệt giá BĐS. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất nhưng không sử dụng.

Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong quý I năm 2008. Dự kiến ban đầu của Bộ Xây dựng đề xuất là cấp hạn mức 100m2/hộ hoặc 20 - 30m2/đầu người, trong đó xu hướng nghiêng về hạn mức cho một hộ. Mức thuế suất cũng được đề xuất 30.000 đồng/m2 sàn.

Theo Đặng Vỹ ( VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm