Thượng viện Mỹ ra NQ về biển Đông yêu cầu TQ trả lại nguyên trạng như trước 1-5-2014

Với tư cách là một cường quốc, có vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia gắn với việc giải quyết các tranh chấp tại khu vực này bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, Mỹ muốn xác định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của mình  với tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển và vùng trời quốc tế một cách hợp pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đồng thời, Mỹ nêu rõ quan điểm đề nghị các nước liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải.

Nghị quyết S.RES.412 được một số thượng nghị sỹ có “vai vế” bảo trợ như Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy; Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Benjamin Cardin và các Thượng nghị sỹ John McCain, Robert Menendez, James Risch, Dianne Feinstein, John Cronyn…

Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hành động vi phạm rõ nhất là việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. 

Thượng viện Mỹ ra NQ về biển Đông yêu cầu TQ trả lại nguyên trạng như trước 1-5-2014 ảnh 1
 Tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm húc trên biển Đông ở khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981

Nghị quyết khẳng định các yêu sách lãnh thổ và hành động của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế và là một hành động đơn phương, nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một trong các quốc gia đã ký kết năm 2002. 

Đặc biệt, Nghị quyết chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này từ 23-11-2013 và coi đây là hành động vi phạm công ước về hàng không dân dụng, gây căng thẳng quan hệ với các nước trong khu vực.

Các nội dung căn bản của Nghị quyết S.RES.412 được Thượng viện Mỹ nhất  trí thông qua 100% là:

Lên án tất cả các hành động cưỡng chế, sử dụng vũ lực để ngăn cản quyền tự do hoạt động trong không phận quốc tế với mục đích thay đổi hiện trạng, hoặc làm mất ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thúc giục Trung Quốc kiềm chế, ngưng việc thực hiện xác định Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và kiềm chế tất cả những hành động khiêu khích tương tự tại những nơi khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ghi nhận và đánh giá cao thái độ đúng mực của Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề biển Đông thời gian qua.

Kêu gọi Trung Quốc tự nguyện rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng liên quan, bảo vệ giàn khoan ra khỏi vị trí hiện tại, tránh diễn tập hàng hải trái với Công ước quốc tế, trả lại hiện trạng như đã hiện hữu ở thời điểm trước ngày 1-5-2014.
 

Về khía cạnh chính sách quốc gia, có thể thấy Mỹ sẽ định hướng hành động dựa trên 5 cơ sở chính: 

  1. Hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
  2.  Phản đối các hành động đi ngược với các công ước quốc tế, vi phạm quyền hoạt động tự do, đúng luật pháp trên biển.
  3. Giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, không đe dọa hoặc ép buộc.
  4. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trong khu vực nhằm xây dựng sức mạnh hợp tác, tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế trong cách hành xử và giải quyết các vấn đề tranh chấp.
  5. Đảm bảo tính ổn định, liên tục của các hoạt động của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Thượng viện Mỹ ra NQ về biển Đông yêu cầu TQ trả lại nguyên trạng như trước 1-5-2014 ảnh 2
 Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm ngày 26-5

 

Nghị quyết S.RES.412 dài 18 trang, lần đầu tiên được Thượng nghị sỹ Robert Menendez (cùng với các thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Marco Rubio, Benjamin Cardin, John McCain, James Risch) đệ trình vào ngày 7-4-2014. Sau đó được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ xem xét.

Ngày 20-5-2014, bản nghị quyết  này được sửa đổi, bổ sung một số điều và được chính thức thông qua vào ngày 10-7 với 100% phiếu thuận.


An Khương (Theo Congress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm