Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ mang tên “Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa”. Đề tài do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, làm chủ nhiệm cùng với chín cộng sự khác.
Học sinh Trường THCS Âu Lạc trong một tiết học. Ảnh minh họa: NQ
Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại bảy trường THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong hai năm qua.
Ông Sơn cho biết hành vi tự hủy hoại bản thân, bao gồm việc tự làm đau bản thân, suy nghĩ bi quan về cuộc sống, bỏ bê bản thân mình, cảm thấy mệt mỏi, chán nản với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể không nhận ra.
Các hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh lứa tuổi này như tự cắt xén, bứt tóc; tự khắc lên da thịt; tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh đấm mình... Trong sinh hoạt hằng ngày, học sinh thường không quan tâm đến sức khỏe bản thân bởi không cảm thấy mình có giá trị. Ngoài ra, họ có thể ăn quá nhiều để an ủi chính bản thân, chán ăn hoặc bỏ bữa, tuyệt thực, thức khuya, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng thuốc ngủ.
Kết quả điều tra của ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy 643 học sinh (61,6%) có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân. 401 em “suy nghĩ bi quan về cuộc sống”, chiếm tỉ lệ cao thứ hai (38,4%). 149 học sinh thừa nhận “từng làm đau bản thân mình”, chiếm 31,6%.
Từ 1.043 học sinh này, nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân.
Biểu hiện của việc tự hủy hoại bản thân được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều và rất nhiều như tự bứt tóc chiếm 18,2%; tự cắn mình chiếm 18,2%. Đáng sợ là hành vi tự đánh và đấm mình chiếm đến trên 35% ở mức nhiều và rất nhiều. Đập đầu vào một vật gì đó cũng chiếm gần 20%.
Nghiên cứu của ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho thấy những em có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh khá, giỏi và trung bình. Cụ thể, trong nhóm nghiên cứu là 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình.
Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất về biện pháp phòng ngừa như nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân; cần tăng cường hơn nữa công tác tham vấn học đường.