Sáng sớm 10-4, trái tim của PGS-TS Lê Tiến Dũng, nhà lý luận văn học đầy chất nghệ sĩ, người thầy từng làm say mê bao thế hệ sinh viên văn khoa, đã ngừng đập.
Thầy ra đi sau một cơn bạo bệnh ập xuống. Nhiều bạn bè thân hữu, học trò thương quý ở mọi miền đất nước đã không kịp nhìn thầy lần cuối, trước khi thầy rời xa cõi tạm, sau gần 40 năm giảng dạy và cống hiến cho nền lý luận, phê bình văn học nước nhà.
Học trò nào từng được thầy giảng hai môn Thi pháp học và Lý luận phê bình sẽ mãi không quên cái chất giọng ấm trầm và một phong cách giảng truyền cảm hứng của thầy. Nhiều thế hệ sinh viên nhớ mãi cái giảng đường văn khoa thuở ấy, mỗi tiết học của thầy, gần như trong phòng không còn ghế nào trống. Ai từng nghe thầy Lê Tiến Dũng giảng về nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu sẽ thấy đầy đủ sự tinh tế trong cách nhìn, sự sắc sảo trong phân tích, nhận định và độ tài hoa đến mê hoặc của nhà nghiên cứu mang trái tim nghệ sĩ ấy.
Thầy Lê Tiến Dũng luôn được nhiều thế hệ học trò trân quý. Ảnh: NT
Thầy đã để lại cho nền nghiên cứu, phê bình nước nhà nhiều công trình có giá trị, trong đó phải nói đến chuyên luận “Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945”. Giới nghiên cứu đánh giá đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về tư duy thơ mới mẻ của Xuân Diệu - “nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới, người đóng vai trò quyết định trong cuộc cách tân hiện đại hóa thơ ca Việt Nam”.
Nhưng rồi như thói đời trớ trêu, cái câu “tài hoa bạc mệnh” lại áp trúng vào đời thầy. Khi đang ở đỉnh cao thăng hoa của sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy thì thầy đột ngột ngã bệnh. Cơn đột quỵ đầu tiên ấy đã cướp đi rất nhiều nội năng của thầy.
Không khuất phục, thầy lại đứng lên bằng chính sức mạnh tự thân, bằng sự lạc quan yêu đời để trở lại giảng đường, trở lại với bao sự chờ đợi của bạn văn, đồng nghiệp và lớp lớp sinh viên.
Rồi không biết có phải ‘trời kia đã bắt làm người có thân...” hay không mà hai cơn đột quỵ liên tiếp lại ập xuống đời thầy. Không ai nghĩ thầy có thể đứng dậy tiếp nhưng dường như sức sống trong trái tim yêu tha thiết cái đẹp ấy đã tiết ra thứ năng lượng đặc biệt giúp thầy hồi phục một cách kì diệu.
Chúng tôi nhớ mãi cái ngày đến thăm thầy ở BV 175, sau cơn đột quỵ thứ ba (năm 2004). Bệnh nặng nhưng trong đôi mắt thầy vẫn ánh lên sự cương nghị, lạc quan. Thầy đã chỉ dẫn, giúp đỡ nhiều học trò hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, các luận văn thạc sĩ trong những ngày tháng khó khăn nhất của đời mình với một sức mạnh, một ý chí phi thường. Nhưng rồi, khi cơn đột quỵ thứ tư dội xuống, thầy đã không còn đủ sức chịu đựng…
Ân tình ấy và ý chí quật cường ấy sẽ mãi đi theo chúng tôi và bao thế hệ học trò của thầy đến suốt đời này.
Do bệnh nặng, PGS-TS Lê Tiến Dũng đã từ trần lúc 7 giờ 12 phút ngày 10-4 (tức ngày 25-2 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 62 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 10-4 tại tư gia, 606/58/5 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM. Lễ động quan lúc 5 giờ 30 ngày 13-4 (tức ngày 28-2 năm Mậu Tuất); sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Chính sách TP, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi. |
Những tác phẩm tiêu biểu của PGS-TS Lê Tiến Dũng PGS-TS Lê Tiến Dũng sinh ngày 30-3-1957 tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Trước khi gắn bó đời mình với khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ năm 1987 đến nay, ông từng là giảng viên ĐH Sư phạm Huế. Ở khoa Văn học (trước đây là khoa Ngữ văn và Báo chí), ông đảm trách các chức vụ: Trưởng bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại, nguyên Phó Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí; từng là giáo sư thỉnh giảng cho Trường CĐ Singsim (Hàn Quốc). Một số công trình, tác phẩm tiêu biểu của PGS-TS Lê Tiến Dũng: Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945 (1998, 2004, 2007); Giờ văn ngồi lớp (2004); giáo trình Lý luận văn học (1996, 1998, 2004); Một lòng với văn nhân (2007); Nhà văn và phong cách (2007). Công trình cuối cùng ông để lại cho đời là tác phẩm Nghĩ về văn chương đất phương Nam, xuất bản năm 2017… |