Tiện cho dân, sao lại cản?

Khi đó, các bến xe là của Nhà nước và tất cả các loại xe đò đều thuộc quốc doanh hoặc hợp tác xã. Người dân muốn đi xe phải đến bến xếp hàng rồng rắn, chen lấn để được các bác Nhà nước bán cho tấm vé, rồi nhồi nhét lên những chiếc xe có từ thập niên 1950, 1960, thậm chí là xe chạy bằng than. Thành ra có câu: “Đi đò thì gọi, đi xe thì than!”.

Từ sau năm 1995, việc đi lại của người dân từ các bến xe dần dễ chịu, thuận lợi hơn khi hàng loạt hãng xe tư nhân và cả liên doanh với nước ngoài ra đời. Các loại hình vận tải theo hợp đồng, du lịch cũng phát triển và trong đầu các nhà làm vận tải bắt đầu hình thành các khái niệm xe liên tỉnh cố định, xe hợp đồng, xe du lịch… để mà phân biệt và quản lý.

Thế nhưng từ sau năm 2000 đến nay, các nhà quản lý vận tải vẫn loay hoay, xoay trở chưa kịp với sự phát triển đa dạng của các loại hình vận tải nên cho rằng “chuẩn mực” của người dân khi đi xe được mặc định là phải đến bến và mua vé. “Chuẩn mực” này được nâng cao, tô đậm hơn khi ngành vận tải không dẹp nổi chuyện xe “dù”, bến “cóc”. Với họ cứ xe nào không vào bến, khách không mua vé từ quầy của bến là… chạy “dù”, là xe “cóc”…

Từ năm 2005, giao dịch dân sự qua mạng điện tử phát triển và được Bộ luật Dân sự công nhận. Từ đây các hãng xe liên tỉnh, hợp đồng, du lịch và lữ hành đua nhau mở số điện thoại, địa chỉ email, trang web… để người dân vào giao dịch, “ký” hợp đồng đi xe. Cung cách, chất lượng phục vụ của các hãng cũng tranh nhau nâng lên. Từ xe máy lạnh nâng lên xe giường nằm, từ đưa đón khách theo điểm đến đưa đón tận nhà, từ chỉ chạy ban ngày sang chạy ban đêm theo nhu cầu của khách vừa đi xe vừa được ngủ… Rõ ràng sự vận hành đó phù hợp với đòi hỏi của thị trường và đã đáp ứng nhu cầu hoàn toàn có thật của số đông dân chúng.

Thật khó để xã hội không “sôi” lên với chuyện Bộ GTVT đưa ra dự thảo thông tư mới quy định cấm các hãng xe hợp đồng, du lịch, lữ hành được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Theo một cán bộ Bộ GTVT “xác nhận đặt chỗ dưới mọi hình thức” là các hình thức giao dịch điện tử để đi xe. Nghĩa là buộc người dân muốn đi xe phải ra bến mua vé (?!).

Vấn đề ở đây mà Bộ GTVT phải trả lời cho thông là tại sao giao dịch  điện tử giữa người dân với các hãng xe là quyền đã được pháp luật công nhận mà Bộ định cấm? Còn nếu nại cớ rằng dự tính quy định như vậy là để đấu tranh với nạn xe “dù”, bến “cóc” thì càng không ổn. Vì để chống và dẹp nạn này thì các ngành chức năng và lực lượng của Bộ GTVT phải có biện pháp khác, mạnh mẽ hơn như tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường, ở các điểm dừng, đậu xe…

“Quản không được thì cấm”? Cần hạn chế tối đa tư duy quản lý kiểu như thế này!

L.ĐỨC - H.LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm