Trước đó, vào tháng 4-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.
Như vậy, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 148 về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 42 được xem là động lực để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung đã và đang dần phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan.
Tại Nghị quyết 148, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 trong ngành ngân hàng.
Triển khai thực hiện các giải pháp được nêu tại Phụ lục 01 đính kèm báo cáo số 174/2022 của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Về xây dựng và hoàn thiện văn bản, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đầu mối phối hợp với bộ, ngành có liên quan để đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng.
Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị tài sản thu hồi lớn nhất…
Bộ Công an cần kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đảm bảo việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan.
Nhận định về tình hình nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.
Dù đã có cơ chế được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 nhưng kết thúc hai quý đầu tiên trong năm nay, nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn phình to.