Tìm cách tăng nguồn cung nhà ở xã hội

(PLO)- Lợi nhuận từ việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà phát triển phân khúc này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban đô thị HĐND TP.HCM phối hợp với Liên đoàn Lao động TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP vừa có cuộc khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động trên địa bàn. Kết quả thu được từ 40.950 mẫu khảo sát, trong đó có 64% công nhân, người lao động có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH). Chưa kể những người lao động tự do cũng có nhu cầu thuê, mua NƠXH.

Gia tăng quỹ đất cho nhà ở xã hội

Kết quả trên cho thấy nhu cầu thực tế của người lao động về NƠXH là vô cùng lớn, song nguồn cung mới chỉ dừng lại ở mức “muối bỏ bể”.

Để thúc đẩy phát triển NƠXH trong giai đoạn 2021-2025, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Bộ Xây dựng đã chỉ đạo giải pháp yêu cầu các địa phương rà soát quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại và 20% nguồn thu ngân sách nhà nước thu từ quỹ đất để phát triển NƠXH.

Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trên cả nước có 65,9% trong tổng số 20 triệu công nhân làm công hưởng lương có nhu cầu thuê, mua NƠXH.

Tại Nghị định 49/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2021, đã siết chặt hơn trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng NƠXH.

Theo đó, với những dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH.

Tại tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân” (tổ chức giữa tháng 4), ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), yêu cầu các địa phương nghiêm túc dành ra các quỹ đất NƠXH trong dự án nhà ở thương mại theo quy định của Nghị định 100 và Nghị định 49.

“Đối với các quỹ đất sạch hoặc các quỹ đất trong 20% quỹ đất nhà ở thương mại đưa vào triển khai đầu tư, tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các dự án để đảm bảo thực hiện đúng quy định trong việc phát triển NƠXH. Chúng tôi kỳ vọng với giải pháp này sẽ tạo ra một phong trào phát triển NƠXH trong thời gian tới” - ông Hưng nói.

Các doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận từ việc thực hiện dự án nhà ở xã hội quá ít khiến doanh nghiệp không mặn mà thực hiện. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Các doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận từ việc thực hiện dự án nhà ở xã hội quá ít khiến doanh nghiệp không mặn mà thực hiện. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, nêu quan điểm: “Để tăng nguồn cung NƠXH các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại tất cả quỹ đất để dành phát triển NƠXH nhưng chưa triển khai thì phải đồng loạt triển khai. Chỉ tính riêng lạm phát thì mỗi năm giá cả hàng hóa đã tăng ít nhất là 4%-5%, chưa kể chi phí nhân công, quản lý cũng tăng đáng kể. Do đó, việc triển khai các dự án NƠXH nếu được thúc đẩy càng nhanh thì chi phí xây dựng càng rẻ, qua đó người mua cũng được tiếp cận với mức giá tốt hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp (DN) đã dành quỹ đất để xây dựng NƠXH nhưng cố tình “ngâm”, không chịu triển khai thì Nhà nước có thể kêu gọi DN khác vào đầu tư.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần chủ động quy hoạch, khoanh vùng những khu đất ở vùng ven, thực hiện bồi thường giải tỏa để tạo lập quỹ đất dành cho NƠXH giống như những công trình công ích. Chỉ có Nhà nước đứng ra thực hiện việc bồi thường giải tỏa thì giá thành NƠXH mới giữ ở mức phù hợp được chứ DN đứng ra bồi thường giải tỏa theo giá thị trường sẽ dẫn đến chi phí giá thành cao, người dân khó tiếp cận được hoặc nguồn cung sẽ ngày càng khan hiếm” - ông Phúc nói.

Có độ vênh giữa các quy định

Chia sẻ về khó khăn của DN tự tạo lập quỹ đất để xây dựng NƠXH, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết: “Chúng tôi xây dựng dự án NƠXH bằng quỹ đất do DN tự đứng ra bồi thường với người dân và xây dựng từ chính nguồn tiền của DN và gần như không có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước”.

Theo ông Nghĩa, xây dựng NƠXH trước tiên phải kể đến tâm huyết của một DN nhằm đóng góp cho cộng đồng là vô cùng lớn. Bởi lợi nhuận của DN xây dựng NƠXH để bán thì được hưởng mức lợi nhuận là 10%, còn NƠXH cho thuê là 15%, thấp hơn rất nhiều so với đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Trong khi đó thời gian để hoàn tất một dự án NƠXH từ lúc làm thủ tục cấp phép cho đến khi hoàn thiện kéo dài tới năm năm, mà với mức lợi nhuận 10% thì tính ra mỗi năm DN chỉ thu được 2% lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng. Đây là lý do mà rất ít DN lăn xả vào việc xây dựng NƠXH.

Ông Nghĩa cho biết thêm: “Liên quan đến việc hưởng ưu đãi từ chính sách, thực tế Luật Nhà ở, Nghị định 100 của Chính phủ đã có quy định ưu đãi cho DN xây NƠXH được giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, thế nhưng Luật Thuế lại không có quy định đó.

“Điều này khiến cho DN không những không được hưởng ưu đãi từ chính sách mà còn bị phạt khi cơ quan thuế vào thanh tra, kiểm tra. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý sớm những bất cập về mặt chính sách do “vênh” giữa các luật sẽ khiến DN dễ nản lòng khi làm NƠXH” - ông Nghĩa nói.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết: Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng NƠXH riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ nhưng không cho phép DN được đầu tư loại dự án nhà trọ, phòng trọ.

“Nếu cho DN đầu tư vào loại hình sản phẩm này, không chỉ giúp tăng nguồn cung phòng trọ, nhà trọ mà chất lượng, tiện ích cũng như công tác quản lý vận hành sẽ tốt hơn. Qua đó, buộc các hộ gia đình, cá nhân cũng phải nâng cao chất lượng nhà trọ, phòng trọ do mình đầu tư có lợi cho người thuê ở” - ông Châu cho hay.•

Cần tháo gỡ hai nhóm vấn đề chính

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: “Đối với NƠXH hiện có hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tức là chưa có sự thống nhất giữa Luật Thuế và Luật Nhà ở. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có sự sửa đổi cho đồng bộ giữa văn bản pháp luật.

Thứ hai, trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật thì chưa có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương dẫn đến các DN đầu tư xây dựng NƠXH chưa tiếp cận được các ưu đãi từ của chính sách”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm