Tìm chỗ đặt Trạm thu phí cầu Đồng Nai mới

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM có ý kiến với Bộ GTVT xây trạm thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu tại địa bàn các phường An Bình, Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Cầu một nơi, trạm một nẻo

Cầu Đồng Nai là một hạng mục thuộc dự án xây cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP Biên Hòa, Đồng Nai. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.877 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (viết tắt là DNC, thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó vốn của DNC là 1.255 tỉ đồng.

Cầu Đồng Nai dài hơn 460 m, rộng 20 m với năm làn xe, được khởi công xây dựng từ tháng 6-2008 và hoàn thành vào cuối năm 2009. Riêng các hạng mục còn lại của dự án gồm xây cầu vượt Tân Vạn, hầm chui, nút giao Vũng Tàu và nút giao Tân Vạn vẫn tiếp tục chậm tiến độ. Theo ông Huỳnh Tấn Trí, Chủ tịch HĐQT DNC, hiện tuyến nối hai đầu cầu vẫn còn đang vướng giải tỏa nhưng vì dự án được thực hiện theo hình thức BOT nên nhà đầu tư phải tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Tìm chỗ đặt Trạm thu phí cầu Đồng Nai mới ảnh 1

Cầu Đồng Nai mới đưa vào khai thác đã xóa nỗi ám ảnh kẹt cầu và sập cầu nhưng lại gây ra bức xúc vì việc thu phí được thực hiện cách xa cầu hơn 140 km. Ảnh: MP

Hiện vị trí đặt trạm thu phí ở tận Sông Phan (trên quốc lộ 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cách cầu Đồng Nai mới trên 140 km. Do ở vị trí này có lưu lượng xe ít nên hợp đồng BOT xác định thời gian thu phí sẽ kéo dài 29 năm 11 tháng.

Theo chủ đầu tư, nếu đặt trạm thu phí ngay tại cầu Đồng Nai mới thì thời gian hoàn vốn đầu tư sẽ ngắn hơn, chủ đầu tư sẽ được lợi. Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án xây cầu thì sẽ “đụng” với quy định của Bộ Tài chính là trên cùng một tuyến đường, các trạm thu phí giao thông phải cách nhau ít nhất 70 km.

Tìm chỗ khác cho công bằng

Ban đầu, mức thu phí giao thông của dự án cầu Đồng Nai mới tương đương với mức thu phí ở nhiều trạm thu phí khác, được thực hiện theo Thông tư 90/2004 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo hợp đồng BOT, trong giai đoạn 2010-2013 sẽ tăng lên 1,5 lần và từ đầu năm 2014 sẽ tăng mức thu lên hai lần so với năm đầu tiên.

Tuy vậy, theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì tạm thời trong vòng hai năm 2010 và 2011, DNC vẫn duy trì mức thu phí cũ và tìm một vị trí thích hợp trong phạm vi dự án để tổ chức thu phí. Trên cơ sở này, DNC đưa ra ba phương án, trong đó trạm thu phí đều nằm trong khu vực dự án cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu:

Phương án một: Xây trạm thu phí hai chiều ở xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, Bình Dương (cách cầu Đồng Nai khoảng 300 m về phía TP.HCM).

Phương án hai: Hoặc đặt trạm ở phường An Bình, Long Bình Tân, TP Biên Hòa (cách ngã tư Vũng Tàu 80-480 m về phía TP.HCM).

Phương án ba: Trạm cũng nằm ở hai phường nêu trên của Biên Hòa nhưng cách ngã tư Vũng Tàu khoảng 600 m về phía TP.HCM.

18 năm và hai tháng là thời gian tính toán thu phí giao thông hoàn vốn đầu tư dự án cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu.

Ngoài ra, theo yêu cầu của GTVT, DNC đề xuất đặt trạm ở vị trí xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, cách cầu Đồng Nai khoảng 80 km.

Với ba phương án của DNC, khoảng cách đến các trạm thu phí lân cận trên cùng tuyến quốc lộ 1A (trạm An Sương-An Lạc, trạm tuyến tránh TP Biên Hòa) không theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Nhưng Sở GTVT TP.HCM cho rằng phương án hai (xây trạm cách ngã tư Vũng Tàu khoảng 600 m về phía TP.HCM) là thích hợp, đảm bảo công bằng cho các phương tiện khai thác công trình và giảm đáng kể thời gian thu phí.

Nếu đặt trạm ở tận xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc thì sẽ lại gây bức xúc bởi nhiều phương tiện không đi qua cầu, không hưởng lợi từ dự án mà vẫn phải trả phí.

Đầu năm 2013 có thể sẽ thu phí ở vị trí mới

Một lãnh đạo DNC khẳng định sau khi lấy ý kiến của TP.HCM và Đồng Nai về vị trí đặt trạm thu phí mới trong phạm vi dự án, DNC sẽ báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng trước khi xây trạm và tổ chức thu phí ở vị trí mới này. Do dự án vẫn chưa hoàn thành trong khi khu vực dự án thường xuyên kẹt xe nên khó có thể xây trạm và tổ chức thu phí ngay được. Hiện DNC đang đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng để đẩy tiến độ dự án. Dự kiến có thể đầu năm 2013 sẽ hoàn thành xong dự án, xây xong trạm thu phí.

Cuối năm 2009, cầu Đồng Nai mới được đưa vào khai thác nhưng từ đầu năm 2009, DNC đã bắt đầu tổ chức thu phí hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí tại Sông Phan, cách xa cây cầu đến 140 km đã gây bức xúc trong dư luận. Ngày 30-11-2009, nhiều xe tải, xe ben, ôtô con đã không mua vé qua trạm để phản đối việc thu phí của trạm này.

Tháng 4-2010, Bộ GTVT có công văn chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan tư vấn và nhà đầu tư nghiên cứu phương án đặt Trạm thu phí Sông Phan cho cầu Đồng Nai mới phù hợp điều kiện thực tế trong khu vực của dự án.

Tháng 10-2010, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn gửi Bộ GTVT về phương án đặt trạm thu phí tại khu vực cầu Đồng Nai. Vấn đề khiến Tổng cục Đường bộ lo ngại là việc đặt trạm thu phí ở khu vực cầu Đồng Nai sẽ không bảo đảm khoảng cách giữa các trạm trên cùng tuyến theo quy định (cầu Đồng Nai chỉ cách Trạm thu phí BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Biên Hòa 31 km; cách Trạm thu phí xa lộ Hà Nội 15 km và cách Trạm thu phí T1 quốc lộ 51 chỉ 12 km).

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm