Báo Công an nhân dân online dẫn nguồn từ hãng tinGuardian cho biết nhiều người nước ngoài đã thiệt mạng trong vụ động đất tại Nepal. Ít nhất 36 người tử vong đến từ Ấn Độ,12 người từ Trung Quốc, 4 người từ Bangladesh….
Đáng chú ý, có hai du khách Việt Nam bị mất liên lạc sau khi động đất xảy ra. Một nhóm người Việt thích du lịch cũng đăng tải trên mạng xã hội Facebook thông tin tương tự.
Một nhóm người Việt khác hiện đang mắc kẹt tại Nepal do động đất, lịch trình đi lại không thuận lợi như dự kiến ban đầu. Một thành viên người Nepal trong đội cứu hộ cho biết, anh chưa thể xác nhận thông tin về hai du khách Việt Nam bị mất liên lạc.
Anh cho biết, nếu những người này du lịch ở Thamel sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn. Trái lại, nếu họ ở Kathmandu, Durba hoặc Bhakatur lúc xảy ra động đất thì thật sự đáng lo ngại. Cảnh sát và chính phủ Nepal đã vào cuộc tìm kiếm.
Một phụ nữ sống sót được cứu sống từ đống đổ nát ở thị trấn Dharara - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, kể với báo Tuổi Trẻ online (TTO), chị Võ Thị Kim Cương, chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam ở Kathmandu cho biết đêm qua chị và gia đình phải trải nệm và mền ra mái hiên ngủ chứ không dám ngủ trong nhà.
Tuy nhiên, ra ngoài ngủ cũng không yên vì suốt đêm dư chấn xảy ra liên tục nên mỗi lần có rung động là mọi người lạihoảng hốt bật dậy bỏ chạy ra vườn. Chị cho biết nhiều người không may mắn phải ngủ ngoài đường, đúng nghĩa màn trời chiếu đất và chẳng ai dám vào nhà.
Cũng theo TTO, một nữ du khách trẻ người Việt đến từ TP.HCMđang trên đường đileo núi trên dãy Himalaya nói hiện cô và nhóm bạn 20 người Việt khác đang an toàn và không có mặt ở khu vực bị lở tuyết do động đất.
Nữ du khách muốn giấu tên này nói cô cũng nghe tin một số nhóm khác đang ở Pokhara cũng an toàn.
Nhà thiết kế áo cưới Lek Chi (tên thật là Lê Kim Chi, con gái cố đạo diện Hồng Sơn) cho biết, theo TTO, sáng qua vừa rời khỏi Kathmandu lúc 9g sáng thì 11g động đất xảy ra.
“Theo tôi biết có 3 nhóm du khách Việt. Một nhóm đến Pokhara từ chiều 25-4 trước nhóm của tôi. Một nhóm 2 bạn gái người Việt vẫn đang ở Kathmandu và một nhóm tôi biết là đã rời Kathmandu sáng nay” - chị Chi nói với TTO và cho biết thêm giao thông tại đây đang ùn tắc nhiều km.“Khi di chuyển về Kathmandu chiều qua chúng tôi rất căng thằng vì đường sá bị lở đất, đá liên tục rất nguy hiểm” -Chị Chi kể vớiTTO.
Thanh Niên online (TNO)cho biết thêm,9 giờ 15 phút sáng nay 26-4, giờ Việt Nam (khoảng 8 giờ sáng tại Nepal), nhà thiết kế Lê Kim Chi cho biết mình và các bạn đã an toàn sau thảm họa động đất kinh hoàng vừa diễn ra tại Nepal.Thông tin với TNOlúc 9 giờ 30 sáng nay, bà Thu Hương, mẹ Kim Chi cho biết mình vừa liên lạc được với con gái qua điện thoại. Kim Chi và mọi người bình an, không còn ai bị nguy hiểm.
"Con gái tôi và mọi người đang được sơ tán lên một khu vực an toàn. Công tác cứu hộ tại Nepal đang được diễn ra khẩn trương. Mọi người đang tập trung cứu những người trong đống đổ nát", bà Thu Hương nói với TNO.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, trả lời câu hỏi của TNOvề tình hình người Việt Nam tại Nepal sau vụ động đất ngày 25-4 và công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết ngay sau khi xảy ra vụ động đất tại Nepal ngày 25-4, Bộ Ngoại giao đã có điện yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, Bangladesh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh tìm hiểu có hay không công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ động đất.
"Ngày 26-4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại và tại Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam"- ông Lê Hải Bình nói, theo TNO.
Như đã đưa tin, vào lúc 11 giờ 56 (giờ địa phương) ngày 25-4, động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra cách thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 80 km giữa TP Pokhara và Kathmandu. Tâm chấn sâu chỉ 2 km.
Báo chí Nepal đưa tin động đất kéo dài từ 30 giây đến hai phút. Tiếp theo đã xảy ra 18 dư chấn, trong đó có dư chấn mạnh đến 6,6 độ Richter. Các nhân chứng cho biết dư chấn từ Nepal đã lan đến tận New Delhi và nhiều TP ở miền Bắc Ấn Độ.
Tại Nepal, nhiều nhà cửa ở thủ đô Kathmandu bị sập. Một nhà báo của hãng tin Reuters có mặt tại Kathmandu mô tả nhiều căn nhà biến thành đống đổ nát hoàn toàn, mọi người hoảng hốt chạy ra đường hoặc chạy đến bệnh viện.
Tháp Dharahara trước và sau khi động đất(ảnh trái). Ảnh: TWITTER. Bệnh viện dã chiến bên đường. Ảnh: AP
Kênh truyền hình Francetv (Pháp) ghi nhận các mạng xã hội đã đăng nhiều hình ảnh nhà cửa sụp đổ, đường sá bị nứt toác và những người lo âu ngồi ngoài đường chứ không dám vào nhà.
Tháp Dharahara lịch sử cao chín tầng (61,88 m) giữa thủ đô Kathmandu đã bị sập. Khoảng 50 người bị chôn vùi dưới đống đổ nát của tháp. Tháp còn được gọi là tháp Bhimsen, được xây dựng vào năm 1832. Nhiều đền thờ gần quảng trường du lịch Durbar cũng bị hư hại.
Các công trình tại hai TP cổ du lịch Patan và Bhaktapur nằm trong thung lũng Kathmandu bị hư hại.Thung lũng Kathmandu là nơi có mật độ dân cư dày đặc, hầu hết công trình kiến trúc được xây dựng không đáp ứng tiêu chuẩn chống động đất.
Cho đến sáng nay 26-4, các số liệu thống kê cho thấy đã có 1.805 người thiệt mạng và 4.718 người bị thương. Đây là trận động đất tồi tệ nhất tấn công Nepal kể từ trận động đất năm 1934 đã giết chết 8.500 người.
Bộ trưởng Broadcasting Minendra Rijal nói với truyền hình Ấn Độ: “Chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch hành động cứu hộ và phục hồi, có rất nhiều việc cần phải làm. Đất nước chúng tôi đang ở trong thời điểm khủng hoảng và chúng tôi sẽ yêu cầu những sự hỗ trợ và viện trợ to lớn”.
Các số điện thoại cần liên lạc để hỗ trợ bảo hộ công dân Việt Nam ở Nepal Để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ, xin đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484và+84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052).” Ngoài ra, bà con có người thân du lịch hoặc sinh sống tại Nepal có thể gọi cho ông Trần Quang Tuyến - Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal,qua số điện thoại di động00919810415354. Theo TNO |