Tình huống buộc phải dẫn giải người làm chứng đến tòa

(PLO)- Theo quy định, người làm chứng có thể bị dẫn giải khi họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông thường trong các phiên toà hình sự, ngoài bị can, bị cáo... HĐXX có thể sẽ triệu tập người làm chứng tới phiên toà, dù đã cho lời khai tại các giai đoạn tố tụng trước.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người làm chứng không tự nguyện có mặt tại toà sau khi được triệu tập và lực lượng chức năng phải tiến hành dẫn giải.

Từ đây, bạn đọc thắc mắc, trong trường hợp nào người làm chứng sẽ bị dẫn giải?

nguoi-lam-chung-ls-le-doan-tuan-4645.jpg
Luật sư Lê Doãn Tuấn

Trả lời vấn đề trên, Luật sư Lê Doãn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng Điều 66 BLTTHS năm 2015 quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Người làm chứng có các quyền như được yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại...

Bên cạnh các quyền thì người làm chứng có các nghĩa vụ như:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Về dẫn giải, theo LS Tuấn, điểm l khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

Quy định dẫn giải có thể áp dụng đối với người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan (theo khoản 3 Điều 127 BLTTHS 2015).

Từ những quy định trên cho thấy nếu người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến tham gia phiên tòa. Lúc này, HĐXX sẽ hoãn hoặc tạm ngừng phiên tòa để dẫn giải người làm chứng...

Trên thực tế, khi người làm chứng biết rõ, nắm rõ các tình tiết quan trọng mà việc có mặt của họ giúp HĐXX đánh giá vụ án một cách khách quan và toàn diện và có lợi cho bị cáo nhưng dù đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt thì buộc phải dẫn giải đến tham gia phiên tòa.

Về quy trình dẫn giải người làm chứng được thực hiện theo Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA ngày 10-9-2008 của Bộ Công an. Theo đó, khi dẫn giải phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Phải có lệnh, quyết định dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền;

- Theo kế hoạch và phương án cụ thể do thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt, bố trí đủ lực lượng và trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết...

- Đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân trong quá trình thi hành nhiệm vụ;

- Không được xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị dẫn giải...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm