Tòa án phải xứng đáng là 'thành trì bảo vệ công lý'

Ngày 21-12, TAND Tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021. Hội nghị được trực tuyến đến gần 800 điểm cầu, tới tất cả TAND trong cả nước và Tòa án Quân sự các cấp.

Không kết án oan người vô tội

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Lê Hồng Quang cho biết trong nhiệm kỳ (2016-2020), các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 97,6% trong số này. Trong đó, năm 2020 các tòa án đã thụ lý hơn 602.000 vụ việc, giải quyết gần 545.000 vụ, đạt tỉ lệ 90,4%.

Khai trương kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công của TAND trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: XĐ

Ông Quang nói: “Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra”.

Đánh giá riêng về xét xử các vụ án hình sự, ông Quang nhận xét công tác này đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, kết án oan người không có tội. Các tòa án đã chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử đúng hạn…

Các tòa án cũng đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm như vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trong bài phát biểu dài 1 giờ đồng hồ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà ngành tòa án đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó nổi bật là tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Cạnh đó, tỉ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao; một số tòa chưa khắc phục triệt để việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ngành tòa án vẫn chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án…

“Thành trì bảo vệ công lý”

Đề cập về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sáu vấn đề. Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Theo Thủ tướng, tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó tòa án mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, nền tư pháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: XĐ

Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và cả xã hội...”.

Để làm được điều này, theo Thủ tướng, hoạt động tòa án phải “thượng tôn pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết”.

Thủ tướng cũng cho rằng các tòa án cần tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tranh tụng trong xét xử. Thủ tướng nói: “Đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự phải được xem là giải pháp căn cơ để chống xét xử oan, sai, vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng (…). Đảm bảo quyền con người, quyền công dân; oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý cần kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành “thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi thẩm phán, mỗi cán bộ tòa án phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý.

“Chất lượng của hoạt động xét xử và uy tín của tòa án là do chính cán bộ tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán quyết định. Vì vậy, phải chăm lo xây dựng được đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật và mẫu mực đạo đức” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nằm trong chương trình hội nghị, TAND Tối cao cũng tổ chức lễ kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công của TAND trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện nghiêm phòng, chống tham nhũng tại tòa án

Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ án với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%; đã thu hồi hàng ngàn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đặc biệt, tòa án cần tuyên hình phạt nghiêm khắc với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Ngành tòa án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Chỉ thị 10 nội dung của chánh án TAND Tối cao

Cũng tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã trình bày chỉ thị của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tòa án năm 2021.

Chỉ thị gồm 10 nội dung cụ thể. Đáng chú ý, chánh án TAND Tối cao yêu cầu tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của ngành TAND.

Cụ thể, tòa án các cấp đảm bảo 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong số này phải giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tòa án các cấp đảm bảo 100% các bản án, quyết định của mình được ban hành trong thời hạn luật định (kể cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án). Ngành tòa án đảm bảo 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngoài ra, ngành tòa án phải đảm bảo tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm