TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã đình chỉ vụ án với lý do VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị toà đình chỉ vụ án.
Việc toà đình chỉ vụ án là đúng với quy định của Bộ luật TTHS 2003. Nhưng điều đáng nói là VKSND huyện Bình Chánh lại căn cứ vào khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 25 BLHS 1999 để rút quyết định truy tố.
Chau Sum với tờ quyết định rút truy tố của VKS vì không còn nguy hiểm
Việc áp dụng hai điều khoản này cho thấy sự lúng túng và mâu thuẫn của VKS. Bởi vì trong khi khoản 1 Điều 13 quy định về “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”; Còn khoản 1 Điều 25 quy định “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.” Vậy Chau Sum không phải chịu trách nhiệm hình sự hay được miễn trách nhiệm hình sự?
Khoản 1 Điều 8 BLHS quy định về bốn yếu tố cấu thành tội phạm, thiếu một trong bốn yếu tố thì hành vi không cấu thành tội phạm. Trong đó về mặt chủ thể của Tội phạm phải do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Điều 13 BLHS xác định người bị mắc bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy hành vi của Chau Sum không cấu thành tội phạm. Do đó cần phải áp dụng khoản 2 Điều 107 và khoản 1 Điều 108 BLTTHS để đình chỉ vụ án mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Hơn nữa, cơ sở của miễn TNHS là phải có hành vi phạm tội của người phạm tội, song do có những điều kiện mà luật định để có thể được miễn TNHS nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn TNHS. Như vậy, miễn TNHS chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội. Không thể miễn TNHS đối với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội.
Việc áp dụng khoản 1 Điều 25 BLHS do “chuyển biến của tình hình” trong chế định miễn TNHS chưa được nhà làm luật đưa vào quy định của BLHS hoặc được giải thích bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên một cơ quan tiến hành tiến hành tố tụng áp dụng cảm tính và có phần tùy tiện. “Chuyển biến của tình hình” được hiểu là chính sách về pháp luật hình sự có sự thay đổi theo hướng không còn quy định hành vi sai trái đang bị điều tra, truy tố, xét xử là tội phạm nữa.
Ví dụ: Theo BLHS năm 1999, hành vi trộm đánh bạc trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là đã có thể truy cứu TNHS. Tuy nhiên, với quy định tại BLHS năm 2015 trị giá đánh bạc phải từ 5 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu TNHS; Hoặc một người thực hiện hành vi phá rừng bị xử lý hình sự, nhưng quá trình điều tra, xét xử diện tích rừng này đã được quy hoạch làm lòng hồ thủy điện; Hoặc một người thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng nhưng quá trình điều tra, xét xử bị hại và bị can phát sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân hợp pháp. Còn trong vụ việc của Chau Sum VKS cũng không chỉ ra và chúng ta không hề thấy được bất kỳ dấu hiếu hiệu nào của việc “chuyển biến tình hình”. Cần phải khẳng định rằng, việc phát hiện ra Chau Sum bị tâm thần không thuộc trường hợp “chuyển biến tình hình”.