TAND TP Đà Nẵng vừa mở phiên họp phúc thẩm xem xét quyết định đình chỉ vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị M. (quận Thanh Khê) và bị đơn Ngân hàng TMCP X do có kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của VKSND quận Hải Châu.
Hội đồng phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND quận Hải Châu, hủy quyết định đình chỉ, chuyển hồ sơ vụ án cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết.
Nội dung vụ án, bà M. và Ngân hàng X tồn tại hai hợp đồng tín dụng hạn mức và năm hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ.
Bà M. cho rằng ngân hàng có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Các hợp đồng nêu trên bà chỉ ký vào trang giấy sau của hợp đồng.
Ngân hàng đã thực hiện việc chuyển tiền trái phép, trái với ý chí của bà tổng cộng 1,2 tỉ đồng. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố các hợp đồng tín dụng vô hiệu.
(Ảnh minh họa)
Ngày 12-12-2019, TAND quận Hải Châu có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Tòa này cho rằng tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và các ủy nhiệm chi, bà M. có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Giao dịch cho vay giữa ngân hàng và bà phát sinh đầu tiên vào ngày 22-6-2012, sau cùng là ngày 6-2-2013. Các món nợ vay này đều đã được tất toán.
Bà M. đã trả hết nợ tất toán món vay đầu tiên vào ngày 2-8-2012, món vay cuối cùng đã trả tất toán vào ngày 30-7-2015.
Điều 132, 136 của BLDS 2005 quy định thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa là hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
Thời điểm bà M. khởi kiện ngày 14-10-2015 là quá hai năm kể từ ngày giao dịch được xác lập nên thời hiệu khởi kiện không còn.
Ngày 13-12-2019, bà M. kháng cáo toàn bộ quyết định đình chỉ.
Ngày 18-12-2019, VKSND quận Hải Châu kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy quyết định đình chỉ để thụ lý, giải quyết lại do căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án của TAND quận Hải Châu không đúng.
Tại phiên họp phúc thẩm, đại diện VKSND TP Đà Nẵng cho rằng TAND quận Hải Châu đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Bởi vì bản chất yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đề nghị tòa án tuyên bố các hợp đồng tín dụng mà nguyên đơn đã ký với ngân hàng là vô hiệu do giả tạo.
Điều 136 BLDS năm 2005 quy định: “Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”.
Trong đó, Điều 129 là điều luật quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. Do đó, thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo sẽ không bị hạn chế.
Vì vậy, nội dung kháng nghị của VKSND quận Hải Châu là có căn cứ chấp nhận.
Theo vksdanang.gov.vn