Theo hồ sơ, chị P. và anh Q. chung sống và đăng ký kết hôn từ năm 2016. Do mâu thuẫn với anh Q. và gia đình anh, chị P. nộp đơn ra TAND huyện Đông Hải xin ly hôn và xin được nuôi cháu K. Anh Q. đồng ý ly hôn nhưng yêu cầu được nuôi cháu K. vì cho rằng anh có thu nhập ổn định, đủ điều kiện nuôi dạy con tốt. Thời gian chị P. bỏ đi đến nay, anh vẫn nuôi con và cháu K. phát triển bình thường.
TAND huyện Đông Hải xử sơ thẩm, chấp nhận cho hai người ly hôn. Về phần con chung, tòa nhận định chị P. bỏ nhà đi, không mang theo cháu K. là đã bỏ con nên giao cháu cho anh Q. nuôi dưỡng. Sau đó chị P. kháng cáo, VKSND huyện Đông Hải kháng nghị cho rằng tòa sơ thẩm tuyên giao cháu K. cho anh Q. nuôi dưỡng là không đúng quy định.
Theo tòa phúc thẩm, cả chị P. và anh Q. đều có đủ điều kiện nuôi con. Chị P. bỏ nhà đi không mang theo con vì anh Q. và gia đình anh không cho chứ không phải chị bỏ con. Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng kháng cáo của chị P. và kháng nghị của VKSND huyện Đông Hải là có căn cứ.