Theo luật sư Nguyễn Hữu Liêm (Văn phòng luật sư Tuổi Trẻ ở Nghệ An, đại diện cho nhóm khách hàng gửi 50 tỉ đồng vào Eximbank và bị mất), ngày 21-4, ông nhận được điện thoại của cán bộ TAND tỉnh Nghệ An thông báo miệng rằng phiên xử vụ lừa đảo chiếm đoạt 50 tỉ đồng của khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng Eximbank ở hai phòng giao dịch Vinh và Đô Lương đã bị dời lại. Phía tòa cho biết đã nhận được văn bản từ hội sở Ngân hàng Eximbank đề nghị tòa hoãn phiên xử vì ngày xử dự kiến là 26-4 quá cận với thời điểm Eximbank tổ chức đại hội cổ đông (dự kiến tổ chức ngày 28-4).
Theo luật sư Liêm, đến ngày 23-4, ông đã nhận được văn bản chính thức của tòa về việc hoãn phiên xử. Ông cho biết các thân chủ của ông không chấp nhận việc phiên xử bị hoãn lại, chưa biết đến khi nào mới được mở. Các thân chủ của ông không đồng ý với việc hoãn phiên xử vì lý do phía Eximbank đưa ra là không chính đáng. Thực tế, theo LS Liêm, đại hội cổ đông và phiên tòa xử vụ án ở Nghệ An không ảnh hưởng gì nhau vì trong vụ án ở Nghệ An, Eximbank đã ủy quyền cho giám đốc Eximbank Chi nhánh Nghệ An đại diện tham gia phiên tòa. Vị giám đốc chi nhánh này không hề có chân trong HĐQT của Eximbank.
Thông báo hoãn phiên xử của TAND tỉnh Nghệ An
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Tiến Nam (một trong sáu khách hàng gửi tiền bị mất tại Eximbank Chi nhánh Nghệ An) cho biết Eximbank đã trả lời ông rằng Eximbank vẫn chờ phán quyết của tòa rồi mới xem xét việc có trả lại tiền cho ông hay không (ông Nam bị mất 28 tỉ đồng).
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, mới đây VKSND tỉnh Nghệ An ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, còn có 14 cựu cán bộ nhân viên Eximbank khác cũng bị truy tố.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 2016, Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống. Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.
Nguyễn Thị Lam (nguyên nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương)
Do tin tưởng Lam, do sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Hồng, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của sáu khách hàng trong hệ thống Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng.
Đối với các bị can khác đã cố ý làm trái quy định về gửi tiền, rút tiết kiệm khi làm việc tại Phòng giao dịch và Chi nhánh Eximbank Vinh, để Lam lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank Vinh của sáu khách hàng.